Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Một khảo sát mới đây cho thấy hơn 11 triệu người Mỹ đang chậm trả tiền thuê nhà và nhiều người trong số này có thể bị đuổi khỏi nơi ở khi lệnh cấm trục xuất hết hạn vào cuối tháng 6 này.
Lệnh cấm trục xuất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), có hiệu lực từ tháng 9/2020, sẽ bị dỡ bỏ vào ngày 30/6 tới. Dù chính sách này vẫn chưa thực sự hoàn hảo để đảm bảo người thuê nhà được ở lại, nhưng nó đã giúp giảm số lượng hồ sơ xin hỗ trợ vì bị trục xuất khỏi nơi ở tối thiểu một nửa trong khoảng thời gian đó so với giai đoạn bình thường, theo một số thống kê.
Song giới chuyên gia cho rằng số vụ trục xuất có thể tăng vọt khi lệnh cấm của CDC hết hiệu lực. Theo phân tích của Trung tâm Ưu tiên Ngân sách và Chính sách (CBPP), khoảng 15% nhóm người trưởng thành đi thuê nhà đang chậm thanh toán tiền nhà của họ.
Lệnh cấm trục xuất của CDC đã phải đối mặt với nhiều thách thức pháp lý và phía các chủ nhà đã chỉ trích chính sách này. Giới chủ nhà nói rằng họ không đủ khả năng cung cấp nhà ở miễn phí cho người dân hoặc gánh khoản tiền thuê nhà còn thiếu ước tính lên tới 70 tỷ USD.
Tuy nhiên, những người ủng hộ lệnh cấm trục xuất nói rằng đây là thời điểm khủng khiếp đối với cả chủ sở hữu bất động sản và người thuê nhà nếu lệnh cấm hết hạn. Chính quyền các bang vẫn đang nỗ lực phân phối khoản hỗ trợ 45 tỷ USD do Quốc hội phân bổ để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở trong giai đoạn đại dịch hoành hành.
Theo Liên minh Nhà ở Thu nhập thấp, khoản tài trợ đó là chưa từng có vì những người thuê nhà chỉ được cấp 1,5 tỷ USD trong thời kỳ Đại suy thoái.
Ngoài ra, tỷ lệ trục xuất ở một số bang có thể sẽ cao hơn những bang khác. Ví dụ, gần như cứ 4 người thuê nhà thì có 1 người chậm trả tiền nhà ở bang Florida và South Carolina, so với con số 6% ở Maine và Kentucky.
Bà Alicia Mazzara, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của nhóm chính sách nhà ở tại CBPP cho biết có nhiều lý do dẫn đến sự chênh lệch đó.
Theo bà, một số bang đã phải đối mặt với các vấn đề về khả năng chi trả nhà khá lớn từ trước đại dịch. Ngoài ra, nền kinh tế của bang cũng là một yếu tố tác động.
Ví dụ, số việc làm mất đi trong đại dịch COVID-19 tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nhà hàng và khách sạn, khiến những nơi các lĩnh vực trên chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn hơn một số bang khác.
Ngoài những hộ gia đình có thu nhập thấp, nhóm công dân lớn tuổi cũng dễ bị tổn thương. Theo một thống kê gần đây, hơn 100.000 người trên 65 tuổi tại Mỹ cho biết họ có thể sẽ bị đuổi khỏi nhà trong vòng hai tháng tới. Gần 450.000 người thuê nhà trong độ tuổi từ 55 đến 64 cũng đưa ra câu trả lời tương tự.