Hạnh phúc không có tuổi

(Baohatinh.vn) - Hạ tuần tháng 8, chúng tôi về thôn Hồng Thủy, xã Xuân Hải (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) gặp cụ Nguyễn Duy Tâm - một người lính đi mở đường Hồ Chí Minh xuyên suốt dãy Trường Sơn trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Năm nay, cụ Tâm đã bước sang tuổi 92 nhưng còn khỏe mạnh, phong độ. Da cụ hồng hào, thân hình rắn rỏi, trẻ hơn so với tuổi. Phong thái đĩnh đạc, nói chuyện lưu loát, khúc chiết, có sức thuyết phục người nghe.

Hạnh phúc không có tuổi

Cụ Nguyến Duy Tâm tự hào là bộ đội Trường Sơn

Trong căn nhà vườn đẹp ở thôn Hồng Thủy, tôi được nghe chuyện tình cảm của đôi vợ chồng bộ đội Trường Sơn năm xưa. Bà Tâm kể: “Năm nay tôi đã 82 rồi. Nhà tôi sinh năm 1926, hơn tôi 10 tuổi. Tháng 7/1949, ông đi bộ đội chống Pháp. Nhà tôi thuộc biên chế của Tiểu đoàn 15 công binh, Sư đoàn 304, quân chủ lực của Bộ Quốc phòng. Đơn vị từng tham gia chiến dịch Quang Trung đánh Pháp ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Hòa Bình trên đường số 6. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông nhà tôi không chiến đấu ở mặt trận chính. Đơn vị ông ấy được điều động sang Thượng Lào. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, nhà tôi được giữ lại làm nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Đơn vị về đóng quân ở Thanh Hóa.

Quê tôi ở tỉnh Hưng Yên, một miền quê đẹp và nổi tiếng với đặc sản nhãn lồng, nhãn tiến vua. Ngày ấy, tôi thoát ly đi hoạt động, làm công nhân ở Thanh Hóa, gần nơi đóng quân của đơn vị ông ấy. Lúc ấy, đoàn thanh niên cơ quan tôi và đơn vị ông ấy kết nghĩa với nhau. Chúng tôi thường có những buổi sinh hoạt, tập hát, tập múa hoặc đi lao động giúp dân chống bão lụt, thu hoạch mùa màng. Từ đó, chúng tôi quen nhau, thân thiết, rồi yêu nhau. Ông ấy hay làm thơ tặng tôi. Ngỏ lời với tôi cũng bằng hai câu thơ, tôi nhớ suốt đời, không thể nào quên:

Ơi cô gái Hưng Yên đất nhãn lồng!

Em có về Xứ Nghệ với anh không?

Tôi nhận lời làm vợ ông Tâm. Đơn vị ông và cơ quan tôi tổ chức đám cưới, mời gia đình hai bên nội ngoại ra Thanh Hóa xác nhận lễ thành hôn. Lúc đó, đám cưới rất đơn giản, chỉ có trầu cau, trà, thuốc lá và bánh kẹo”.

Bà dừng lại nhìn ông âu yếm rồi kể tiếp:

“Ngày 23/5/1965, nhà tôi được cấp trên điều vào miền Nam chiến đấu. Tôi bế con tiễn ông đi chiến trường đánh Mỹ - ngụy. Thỉnh thoảng, nhà tôi viết thư về, kể về công việc của đơn vị là… Đoàn 559, lập các binh trạm, xây dựng lực lượng bộ đội Trường Sơn mở đường mòn Hồ Chí Minh từ Bắc vào Nam. Nội dung chủ yếu các bức thư là động viên tôi thay anh nuôi dạy các con. Tôi viết nhiều cánh thư động viên để nhà tôi yên tâm làm tốt nhiệm vụ. Nội dung cơ bản kể chuyện máy bay Mỹ oanh tạc cầu Hàm Rồng, thị xã Thanh Hóa, đánh phá làng mạc, hủy hoại quê nhà Xuân Hải, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, giết hại đồng bào ta. Kể cả chuyện bộ đội phòng không bắn rơi nhiều “Thần sấm”, “Con ma” của giặc. Những cánh thư đi thư về giữa vợ chồng chúng tôi đều đặn, kéo dài hơn 10 năm. Mãi khi nhà tôi ra Bắc công tác, có điều kiện gặp nhau thì thôi. Những bức thư ông ấy gửi, trước đây tôi lưu trữ dày cộm”.

Anh bạn lái xe buột miệng hỏi: “Bây giờ, hai cụ còn giữ được lá thư nào nữa không?”. Bà Tâm cười bảo: “Không chú ạ! Hồi dỡ nhà cũ để làm lại cái nhà này, tập thư nhà tôi gửi về bị thất lạc đâu mất. Lúc đó, tôi và nhà tôi tìm kiếm mãi nhưng không thấy. Tiếc lắm”.

Năm 1975, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cụ Tâm được chuyển ra miền Bắc công tác, được bổ nhiệm chức vụ Chủ nhiệm chính trị, cấp hàm Trung tá, đơn vị Sư đoàn 472. Đến năm 1982, cụ được về nghỉ hưu tại xã Xuân Hải. Nói là về hưu dưỡng già, nhưng cụ vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, làm Bí thư chi bộ, đại biểu HĐND xã, Chủ tịch Hội CCB xã Xuân Hải. Hiện nay, tuy tuổi đã cao nhưng cụ vẫn được bầu làm Chủ tịch Hội CCB Trường Sơn xã Xuân Hải kiêm Ủy viên BCH Hội CCB bộ đội Trường Sơn huyện Nghi Xuân.

Giờ đã sang tuổi cửu tuần, hàng ngày, cụ Tâm vẫn đạp xe đi vận động con em trong xã quyên góp làm quỹ hoạt động của hội. Bà Tâm chia sẻ với “đồng chí chồng” bằng cách hỗ trợ 2 triệu đồng để làm quỹ hội. Cụ Tâm không phụ lòng vợ, tặng lại kỷ niệm chương và con lợn tiết kiệm cùng lời nhắn gửi: “Mỗi ngày bỏ vào 1.000 đồng tiết kiệm. Hết năm tiết kiệm được 360.000 đồng để làm quỹ”.

Về thôn Hồng Thủy, xã Xuân Hải, nghe chuyện tình của vợ chồng người lính Cụ Hồ từng tham gia chống Pháp, người bộ đội Trường Sơn năm xưa phá đá mở đường đánh Mỹ thật cảm động. Tôi ghi lại với hy vọng câu chuyện được lan tỏa với ý nghĩa giáo dục to lớn trong đời sống xã hội.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.