Hành trình vượt qua giới hạn bản thân của "kình ngư” người khuyết tật

(Baohatinh.vn) - Không may cụt cả hai chân, bằng ý chí phi thường, anh Trần Đình Bình (SN 1989, trú xã Thạch Xuân, Thạch Hà - Hà Tĩnh) đã vươn lên trở thành vận động viên bơi lội, giành được nhiều huy chương.

z5832326575867_4a3b7d93816f1eb537405dbd2b1d2773.jpg
Vụ nổ đã cướp đi 1/3 đôi chân của anh Trần Đình Bình từ năm 7 tuổi.

Chúng tôi gặp “kình ngư” Trần Đình Bình tại một quán cà phê nhỏ ở TP Hà Tĩnh khi anh vừa hoàn thành chuyến giao hàng cho khách. Anh Bình hiện là VĐV bơi lội của đội thể thao người khuyết tật Hà Tĩnh.

Ngoài thời gian tập luyện, anh làm thêm nghề shipper giao hàng để kiếm tiền lo cho gia đình. Bén duyên với môn bơi lội từ năm 2011, đến nay, anh đã mang về gần 20 tấm huy chương các loại. Đằng sau những vinh quang ấy là một hành trình dài đầy nỗ lực, ý chí kiên cường của chàng trai quê Thạch Hà.

Anh Bình là con thứ 4 trong gia đình có 5 chị em. Tuổi thơ của anh trôi qua êm đềm như bao đứa trẻ ở làng Đồng Xuân. Đến năm 1996, khi lên 7 tuổi, một biến cố lớn xảy ra làm thay đổi cuộc đời anh. Trong lần đi chăn bò cùng nhóm bạn, anh không may bị quả bom bi còn sót lại sau chiến tranh phát nổ làm 1/3 đôi chân bị dập nát, phải cắt bỏ.

av3.jpg
Bằng ý chí, nghị lực phi thường, anh Bình đã vượt qua mọi khó khăn, trở thành vận động viên bơi lội của đội thể thao người khuyết tật Hà Tĩnh.

Anh Bình nhớ lại: “Tai nạn đến bất ngờ khiến tôi sốc nặng. Ngày ngày ngồi bên cửa sổ nhìn đám bạn cùng trang lứa tung tăng nô đùa còn mình thì tàn tật, phải ngồi một chỗ, tôi gần như mất phương hướng. Những ngày đen tối nhất của cuộc đời, nhờ có sự động viên, khích lệ của gia đình nên tôi đã dần chấp nhận sự thật. Quãng thời gian 6 năm sau đó tôi phải làm bạn với chiếc xe lăn. Nhiều lần nhìn thấy bố mẹ vất vả, rơi nước mắt vì mình, bản thân tự nhủ phải cố gắng sống tốt hơn”.

Năm 2004, được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh hỗ trợ đôi chân giả, những khó khăn của anh dần vơi đi. Sau 1 năm tập luyện với đôi chân giả, anh đã tự đứng lên và đi lại được. Cuối năm 2005, anh quyết định theo học nghề sửa chữa máy tính và học đàn organ ở Trung tâm Giới thiệu việc làm người khuyết tật Hà Tĩnh với mong muốn tự nuôi sống bản thân.

Cũng tại đây, anh Bình đã có cơ duyên đến với đội thể thao người khuyết tật Hà Tĩnh. Đó là vào năm 2011, trong một lần về Trung tâm Giới thiệu việc làm người khuyết tật tỉnh tuyển VĐV, ban huấn luyện đội thể thao người khuyết tật Hà Tĩnh đã gặp anh Bình và nhìn thấy tiềm năng của anh. Vốn biết bơi từ nhỏ nên anh được động viên tham gia đội bơi lội.

av4.jpg
13 năm gắn bó với thể thao, anh Trần Đình Bình đã giành được 20 tấm huy chương các loại.

Những ngày đầu làm quen với bơi lội chuyên nghiệp, anh Bình gặp vô vàn khó khăn. Người lành lặn tập luyện thể thao đã khó, người khuyết tật như anh lại càng khó gấp bội. Tuy nhiên, nhìn quanh, đồng đội ai cũng thiếu may mắn như mình, tất cả đều vui vẻ, động viên, giúp đỡ, chia sẻ buồn vui với nhau nên anh có thêm động lực vươn lên.

“Ngày mới vào đội, tôi được đàn anh Đặng Văn Công động viên, giúp đỡ tận tình. Chính anh đã truyền cảm hứng cho tôi cố gắng mỗi ngày. Sau những giờ tập luyện tại trung tâm, tôi còn về tập thêm ở nhà. Nhờ sự hướng dẫn của ban huấn luyện, tôi tiến bộ nhanh chóng, hoàn thành hết giáo án của các thầy” - anh Bình cho biết.

Sau 12 ngày tập luyện, anh Bình được tham dự Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2011. Ngay lần đầu dự giải, anh xuất sắc giành 2 tấm huy chương đồng. Tiếp nối thành công đó, từ năm 2011 đến nay, anh giành được tổng cộng 20 huy chương (2 vàng, 10 bạc, 8 đồng) tại các giải thể thao người khuyết tật toàn quốc. Cùng đó là nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành.

Là người gắn bó, trực tiếp huấn luyện anh Bình, ông Thái Hữu Hùng - Huấn luyện viên Đội thể thao người khuyết tật Hà Tĩnh tự hào khi nhắc về người học trò. Ông Hùng chia sẻ: “Dù mất đôi chân, gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống nhưng thay vì buông xuôi cho số phận thì Bình lại lấy đó làm động lực để cố gắng mỗi ngày. Thành quả mà cậu ấy đạt được thực sự khiến chúng tôi vô cùng khâm phục”.

av1.jpg
Ngoài thời gian dành cho thể thao, anh Bình làm thêm nghề giao hàng để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.

Ở tuổi 35, anh Bình còn có một niềm hạnh phúc ấm áp là cậu con trai 6 tuổi. Để chăm sóc tốt hơn cho con, anh Bình làm thêm công việc giao hàng kiếm thêm thu nhập. Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng anh luôn có niềm tin vào cuộc sống.

“Với tôi, được thi đấu, được cống hiến hết mình cho thể thao luôn là điều tuyệt vời nhất. Những tấm huy chương là thành quả ngọt ngào, là sự đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực của tôi suốt những năm qua. Tôi vui vì đã vượt qua được giới hạn của bản thân. Thời gian tới, tôi sẽ chăm chỉ tập luyện, hy vọng gặt hái thêm nhiều thành tích mới.

Đến khi nào bản thân thấy sức khỏe không còn đảm bảo, tôi sẽ dừng lại, dành thời gian chăm sóc con. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục cố gắng nhiều hơn ở chặng đường tiếp theo” - anh Bình trải lòng.

Chủ đề Thể thao Hà Tĩnh

Đọc thêm

Ronaldo - còn gì nữa?

Ronaldo - còn gì nữa?

Dù Ronaldo đã nỗ lực hết mình, ghi những bàn thắng đẹp mắt, những đóng góp cá nhân của anh vẫn chưa đủ để đưa Al-Nassr lên đỉnh vinh quang.
Tuchel đồng ý dẫn dắt tuyển Anh

Tuchel đồng ý dẫn dắt tuyển Anh

Lịch sử bóng đá Anh sắp được viết thêm một chương mới khi Thomas Tuchel chính thức trở thành huấn luyện viên trưởng đội tuyển.
Tạm biệt, "nhà vua" Rafael Nadal

Tạm biệt, "nhà vua" Rafael Nadal

Một chương lịch sử của quần vợt thế giới khép lại. Rafael Nadal, "Vua đất nện" huyền thoại, chính thức nói lời chia tay với sự nghiệp chuyên nghiệp.