Chiến thắng được hun đúc từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, với sức mạnh thần kỳ của Nhân dân. Sức mạnh thần kỳ ấy đã được nhà thơ Tố Hữu - “thư ký” thời đại, bằng cảm xúc mãnh liệt, bằng bút pháp tài hoa viết nên bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Một khúc khải hoàn ca sống mãi với dân tộc và thời đại.
Lá cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát ngày 7/5/1954. Ảnh tư liệu
“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” được viết bằng lời thơ giản dị, tạo nên sự gần gũi với người đọc. “Bỗng nghe vần thắng vút lên cao” nên âm điệu bài thơ “rất tự do, nhưng tươi nhạc, tươi vần”, tươi hình ảnh. Người đọc tưởng như Tố Hữu đã “hóa thân” cùng chiến sĩ, cắm lá cờ thơ lên nóc hầm Đờ Cát. Bài thơ mang tầm tư tưởng lớn, thoát ra ngoài tiếng nói riêng mình, trở thành tiếng nói của Nhân dân, của dân tộc, minh chứng cho toàn thế giới biết rằng: Việt Nam - một nước nhỏ bé đã đánh bại một đế quốc lớn.
Chiến sĩ là ai? Là hàng ngàn anh bộ đội, vệ quốc quân tại cứ điểm Điện Biên Phủ đang đối mặt với kẻ thù, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Cấu trúc của bài thơ được nối liền mạch bằng người và cảnh khác nhau, nhưng nó là tiếng kèn chiến thắng, mang niềm vui bất tận đến muôn người. Trong tiếng kèn vang dội núi sông đó hiện lên hình ảnh Bác Hồ, vị Cha già dân tộc, hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy tài ba bằng chiến lược quân sự “đánh chắc, thắng chắc” khiến cho đối phương không kịp trở tay “Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp” để cả đất nước vỡ òa hạnh phúc:
“Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!”.
Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 bàn kế hoạch tác chiến dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Triệu Đại/TTXVN
Điều người đọc khá ngạc nhiên là nhà thơ Tố Hữu đã viết bằng mệnh lệnh trái tim, bằng sự nhạy cảm với sự kiện nóng bỏng của thời đại. Bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” có cách thể hiện khá độc đáo.
“Tin về nửa đêm
Hỏa tốc, hỏa tốc
Ngựa bay lên dốc
Đuốc chạy sáng rừng”
Bốn câu thơ này vừa tượng hình, vừa tượng thanh. Tác giả không dùng tiếng vó ngựa cốc! cốc! chạy trên mặt đường nữa, mà dùng ngôn ngữ “Hỏa tốc, hỏa tốc” giúp ta hiểu thêm, ngựa đang nhận sức mạnh niềm vui lịch sử của dân tộc, để “bay lên dốc”. Nhưng sức mạnh ngựa bay ấy, khi “đuốc chạy sáng rừng”, người hạnh phúc được nhận tin chiến thắng đầu tiên, đấy là bà con dân tộc ở Điện Biên đã từng gắn bó cùng chiến sĩ như cá với nước, như cây với đất. Và tin chiến thắng Điện Biên đã trở thành cánh chim vô hình bay tới muôn phương:
“Điện Biên vời vợi nghìn trùng
Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta
Đêm nay bè bạn gần xa
Tin về chắc cũng chan hòa vui chung”
Cấu trúc bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” được diễn đạt theo lối tự sự, gây dấu ấn cho người đọc không phải là nhạc thơ hay sự luyến láy của câu chữ mà tạo dấu ấn cho người đọc một sức nặng lớn về cuộc chiến đấu trực diện của người chiến sĩ ở chiến hào.
Anh hùng Bế Văn Đàn - người lấy vai làm giá súng. Ảnh tư liệu.
Chiến trận ác liệt và cam go phải đổi bằng “Máu trộn bùn non” nhưng nhờ người lính tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nên họ “Gan không núng/ Chí không mòn”. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã xuất hiện bao tấm gương anh hùng làm rạng danh non sông đất nước như Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... Nhà thơ Tố Hữu đã ghi danh tên tuổi họ vào bức tượng thơ:
“Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm…”
Những anh hùng hy sinh cả tuổi xuân cho Tổ quốc, cho Nhân dân bởi họ đã được hun đúc bằng truyền thống yêu nước bốn ngàn năm lịch sử. Những anh hùng khi đôi mắt khép lại nhìn bầu trời Tổ quốc, họ đã có một niềm tin mãnh liệt từ “Những bàn tay xẻ núi, lăn bom”, “mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện”, từ “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát”. Cả nước hành quân thần tốc về Điện Biên để không ngừng tiếp sức cho các chiến sĩ ở mặt trận đang phải chịu cảnh “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Một cuộc hành quân bền bỉ 9 năm ròng, với đường lối chiến lược quân sự “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”.
Vào hồi 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, quân đội ta chiếm Sở chỉ huy của địch, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Ảnh tư liệu
Cuộc chiến đấu một mất, một còn, đầy máu lửa ấy khiến đội quân viễn chinh Pháp cũng không thể ngờ rằng mình bị thất bại nhục nhã, ê chề như vậy. Bởi các tướng lĩnh Pháp vẫn thường rêu rao rằng: Hàng rào căn cứ địa của Điện Biên Phủ, một con chuột nhắt cũng không chui lọt. Nhưng hãy nhìn đây:
“Trông: bốn mặt lũy hầm sụp đổ
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
Trông: Chúng ta cờ đỏ sao vàng
Rực trời đất Điện Biên toàn thắng”
Bằng một cách nhìn trực giác nhạy cảm, tinh tế, nhà thơ Tố Hữu giống như một nhà nhiếp ảnh chụp lại khoảnh khắc lịch sử đặc biệt này. Bức ảnh tương phản 2 màu sắc rõ rệt: kẻ chiến bại, tất cả đều kéo cờ trắng xin hàng; người chiến thắng giơ cao cờ đỏ sao vàng. Nhà thơ đã khéo lựa chọn từ ngữ “lố nhố” khiến người đọc hiểu hơn về sự thất bại đau đớn, cay cú tột đỉnh của kẻ thù.
Từ chiến thắng Điện Biên Phủ đã giúp nhân loại hiểu rằng: Việt Nam là một đất nước luôn luôn khát vọng tự do và độc lập nên Nhân dân Việt Nam luôn thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Nếu kẻ thù nào “còn say máu chiến tranh” thì trận thắng Điện Biên “Cũng mới là bài học đầu tiên”.