Sáng 16/3, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần chủ trì cuộc họp để thẩm tra Đề án “Tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và đảm bảo chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ (DQTV) trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025”.
Hà Tĩnh hiện có 22.246 đồng chí DQTV, chiếm 1,72% dân số toàn tỉnh (gần 1,3 triệu người); 100% xã, phường, thị trấn có lực lượng DQTV; 100% thôn, tổ dân phố có tổ dân quân tại chỗ; có 1 tiểu đội dân quân thường trực; 258 đơn vị tự vệ ở các cơ quan, tổ chức. Đến nay, có 216 ban chỉ huy quân sự cấp xã, 132 ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức...
Những năm qua, lực lượng DQTV được tổ chức chặt chẽ, thường xuyên củng cố, kiện toàn về số lượng và chất lượng. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện còn bộc lộ hạn chế, vướng mắc. Do đó, việc xây dựng Đề án là cần thiết nhằm xây dựng lực lượng DQTV có cơ cấu, số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở; tổ chức biên chế tinh gọn, chặt chẽ, có khả năng độc lập chiến đấu, phục vụ chiến đấu và xử lý các tình huống…
Thượng tá Nguyễn Tú Tài - Tham mưu phó Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trình bày Đề án “Tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ (DQTV) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025”
Đề án gồm các nội dung cơ bản: Tổ chức xây dựng lực lượng DQTV từ 2021-2025; tổ chức xây dựng, đào tạo cán bộ quân sự cơ sở, tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập và hoạt động của lực lượng DQTV; chế độ, chính sách, cơ sở vật chất đối với lực lượng DQTV.
Đề án đã xác định rõ một số nhiệm vụ chủ yếu để củng cố, kiện toàn ban chỉ huy quân sự và cán bộ DQTV; xác định rõ chế độ, chính sách, cơ sở vật chất đối với lực lượng DQTV; bảo đảm báo chí, trang phục, cơ sở vật chất, nơi làm việc, nhà trực, trang thiết bị hoạt động và vũ khí trang bị cho DQTV.
Đề án cũng đã xác định rõ mức trợ cấp ngày công lao động đối với dân quân tại chỗ, dân quân cơ động, dân quân phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế khi có quyết định huy động, điều động làm nhiệm vụ hoặc thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch và mức trợ cấp tăng thêm trong trường hợp kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Về dân quân thường trực (trừ dân quân thuộc Hải đội dân quân thường trực) mức trợ cấp ngày công lao động, trợ cấp ngày công lao động tăng thêm thực hiện theo quy định nêu trên.
Chủ tịch UBND Thị xã Hồng Lĩnh - thành viên Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Huy Hùng: Nên xem xét ban hành chế độ, chính sách đặc thù ngoài chế độ đã được đảm bảo theo Luật Dân quân tự vệ 2019 và Nghị định 72/2020/NĐ-CP.
Tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung Đề án. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần làm rõ thẩm quyền ban hành Đề án; sửa đổi một số điểm trong tờ trình, dự thảo Nghị quyết, trong đó cần quy định rõ số lượng phó chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã.
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần trao đổi tại cuộc họp
Việc ban hành chế độ, chính sách cần nằm ngoài chế độ đã được Luật Dân quân tự vệ 2019, Nghị định 72/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định; nên tăng mức hỗ trợ để phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ; cần có nhà trực, làm việc cho lực lượng dân quân tự vệ; đưa thêm đối tượng là dân quân biển vào quy định trong dự thảo Nghị quyết…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tiếp thu ý kiến, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các tờ trình, dự thảo để trình kỳ họp HĐND sắp tới.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tiếp thu ý kiến, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các tờ trình, dự thảo để trình kỳ họp HĐND sắp tới.