Quan tâm phát triển giáo dục mũi nhọn, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tài năng, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã giành được kết quả cao tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
2 tháng trôi qua nhưng niềm vui khi cô học trò nghèo Thái Thị Thủy - học sinh lớp 11B5, Trường THPT Lê Hữu Trác (Hương Sơn) đoạt giải nhì quốc gia môn Địa lý vẫn còn mới nguyên trong những câu chuyện kể của học sinh và giáo viên nhà trường. Thầy Trịnh Văn Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hữu Trác cho biết: “Cách đây 2 năm, trường đã có 1 học sinh đoạt giải nhất quốc gia giải toán trên máy tính cầm tay. Năm nay, thật đáng tự hào khi 1 học sinh lớp 11 lại tiếp tục mang về niềm vinh dự cho nhà trường và em cũng là một trong những giải nhì có điểm số cao nhất (thua giải nhất 0,5 điểm)”.
Niềm vui ấy, vinh dự ấy được làm nên từ sự tận tâm, tận lực của đội ngũ giáo viên trong việc phát hiện và chăm sóc, bồi dưỡng để những “hạt giống tốt” nảy mầm, đâm lá. Em Thái Thị Thủy cho biết: “Bố mẹ em đau yếu, không có sức lao động, em ở cùng bà tuổi đã trên 80. Các thầy cô, bạn bè, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm, cô giáo bộ môn Bùi Thị Bích Liên đã hỗ trợ, tiếp sức cho em để đi đến thành công”.
Còn ở Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Lộc Hà), em Lê Viết Thịnh cũng vừa giành giải khuyến khích quốc gia môn Hóa học nhờ sự tiếp sức tích cực của các thầy, cô giáo, bạn bè.
Em Lê Viết Thịnh - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Lộc Hà (người đứng) vừa giành giải khuyến khích quốc gia môn Hóa học.
Thịnh là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhà trường đã kêu gọi các doanh nghiệp, hội cựu học sinh, các thầy cô giáo, các bạn góp được hàng chục triệu đồng để hỗ trợ em trong quá trình học tập và ôn luyện. Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên gặp gỡ phụ huynh để động viên tinh thần, giúp em thêm tự tin.
Quan tâm đến giáo dục mũi nhọn, phát hiện và bồi dưỡng HSG những năm qua đã được nhiều trường học tập trung thực hiện với sự đầu tư thỏa đáng và cách làm hiệu quả. Được biết, tại Trường THPT Nguyễn Trung Thiên (Thạch Hà), năm học này công tác bồi dưỡng HSG của nhà trường được bắt đầu từ rất sớm và tập trung cao.
Thầy Lê Hoài Nam - giáo viên Địa lý chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng học tập cho học sinh, chúng tôi đã dành mọi thời gian tập trung ôn luyện. Kể cả ngày hè, giáo viên bộ môn vẫn đến từng nhà HSG để giao đề cho các em luyện, thu bài về chấm, hỗ trợ sách vở, tài liệu học tập. Chúng tôi cũng thường xuyên cập nhật những kiến thức mới, xây dựng mô hình trường học kết nối để các giáo viên có thể học tập kinh nghiệm từ các đồng nghiệp ở trường bạn trong bồi dưỡng HSG”. Nhờ thế, chất lượng mũi nhọn ngày càng được nâng cao, trung bình mỗi năm, trường có khoảng 50 học sinh được công nhận HSG tỉnh ở các bộ môn. Trong năm học này, khối 12, ngoài giải khuyến khích quốc gia bộ môn Tin học, trường còn có 14 em đậu HSG tỉnh, trong đó có giải nhất ở bộ môn Hóa học.
Đối với Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh), thầy Thái Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Gắn với chủ trương đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, thời gian qua, trường đã tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng mũi nhọn. Theo đó, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các tổ bộ môn đổi mới phương pháp giảng dạy bằng nhiều hình thức. Cùng với đó, ngay từ lớp 10, trường đã giao nhiệm vụ điều tra nắm rõ số lượng HSG, học sinh cá biệt để có định hướng theo dõi, bồi dưỡng. Nhờ đó, năm học vừa qua, toàn trường có 68/73 em được công nhận HSG tỉnh, 2 học sinh giành Huy chương bạc và đồng trong kỳ thi Olympic tiếng Anh quốc gia, 1 em giành giải ba quốc gia môn Địa lý và năm nay lại có thêm học sinh giành giải ba môn Tin học.