Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ Giáo dục Nhật Bản đang xem xét một chương trình cấp học bổng đại học cho đối tượng con của công dân nước ngoài có ý định tiếp tục sống ở Nhật Bản.
Hệ thống mở rộng này yêu cầu các khoản vay do Tổ chức Dịch vụ sinh viên Nhật Bản (JASSO) xử lý sẽ được cấp cho học sinh nước ngoài đã tốt nghiệp phổ thông có nguyện vọng học lên đại học.
Theo các quan chức của Bộ Giáo dục, nền tảng này được coi là một dấu hiệu tốt cho thấy các học sinh coi Nhật Bản như quê hương. Các em sẽ được cấp khoản học bổng cho vay kể cả khi vẫn trong diện thị thực “phụ thuộc.”
Các quan chức của Bộ Giáo dục Nhật Bản ước tính mỗi năm tuyển sinh đại học có khoảng 200 học sinh sẽ nộp đơn xin học bổng dưới hình thức cho vay hoặc theo chương trình mới, trong đó học phí sẽ được giảm hoặc miễn cùng với học bổng không phải hoàn trả.
JASSO hiện đang cấp học bổng cho trẻ em nước ngoài nhưng với điều kiện thị thực của các em là thường trú, dài hạn hoặc thường trú đặc biệt.
Vào tháng 5/2023, Ủy ban đặc biệt về lao động nước ngoài của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã biên soạn các khuyến nghị, trong đó có đề xuất mở rộng học bổng JASSO cho trẻ em nước ngoài vẫn trong diện thị thực phụ thuộc.
Hiện học sinh nước ngoài đã tốt nghiệp trường học ở Nhật Bản có thể chuyển sang thị thực cư trú dài hạn sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông nếu có lời mời làm việc. Trong trường hợp muốn học lên cao hơn, các em buộc phải theo diện thị thực phụ thuộc và không đủ điều kiện nhận học bổng JASSO theo hệ thống hiện tại. Trong những trường hợp như vậy, sinh viên không có phương tiện hỗ trợ kinh tế rõ ràng. Kết quả là nhiều học sinh nước ngoài ở Nhật Bản từ bỏ việc học cao hơn.
Một nghiên cứu tài chính năm 2021 của Bộ Giáo dục Nhật Bản cho thấy trong số học sinh trung học phổ thông cần đào tạo thêm về tiếng Nhật, bao gồm cả những học sinh có hộ chiếu nước ngoài, chỉ có 51,9% tiếp tục học lên cao hơn. Tỷ lệ này trong tổng số học sinh trung học là 73,4%.
Thống kê của Tổng cục quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản cho thấy tính đến cuối tháng 6/2023, có khoảng 112.000 trẻ em nước ngoài từ 18 tuổi trở xuống có thị thực phụ thuộc.