Đại biểu Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Gần 200 đại biểu gồm các quan chức cao cấp từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, đại diện Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) và Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) … đã tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017 (Chủ tịch SOM APEC 2017), Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh APEC 2017 sẽ là một năm thách thức đối với các nền kinh tế, do tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu thấp và đối mặt nhiều bất ổn.
Theo Chủ tịch SOM APEC 2017, tại nhiều nền kinh tế, đã có ý kiến lo ngại về lợi ích của toàn cầu hóa không đến được với mọi người dân.
Trong khi đó, nền tảng công nghệ, nếu không sử dụng đúng đắn, sẽ khiến khoảng cách phát triển ngày càng lớn hơn.
Trong bối cảnh đó, châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là động lực của tăng trưởng và hội nhập toàn cầu, tiên phong trong thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư.
Chủ tịch SOM APEC 2017 khẳng định, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương có đủ nguồn lực, khả năng để vượt qua khó khăn, đồng thời biến thách thức thành động lực cho tăng trưởng và phát triển.
Các nền kinh tế thành viên cần đẩy mạnh thảo luận, thúc đẩy hợp tác APEC mang tính bao trùm, bảo đảm tăng trưởng, toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho tất cả người dân, không để ai bị bỏ lại sau tiến trình này.
Tại Hội nghị, trong vai trò chủ trì Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC và cuộc họp Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) lần thứ nhất năm 2017, Việt Nam cũng thông báo kết quả các cuộc họp và ưu tiên hợp tác của tiến trình tài chính và doanh nghiệp trong năm 2017; nhấn mạnh trọng tâm hợp tác tài chính và doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho chủ đề và các ưu tiên của Năm APEC 2017.
Về phía các nền kinh tế, các quan chức cao cấp đều đánh giá cao và khẳng định lại sự ủng hộ đối với chủ đề và các ưu tiên Việt Nam đề xuất cho Năm APEC 2017.
Các quan chức cao cấp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và nhu cầu tăng cường tương tác với kênh hợp tác tài chính và doanh nghiệp của APEC; vai trò quan trọng của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC trong việc giúp các quan chức cao cấp APEC nắm bắt những tồn tại trong môi trường đầu tư, kinh doanh, thể hiện được mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp APEC trong thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, đặc biệt những nội dung thiết thực như giải quyết rào cản phi thuế, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường đóng góp của phụ nữ vào nền kinh tế...
Đây không chỉ là nhu cầu của các doanh nghiệp, mà quan trọng hơn là mang lại lợi ích công bằng cho mọi người dân và thịnh vượng cho toàn xã hội.
Chiều cùng ngày, các quan chức cao cấp đã thảo luận và thông qua báo cáo của hai Ủy ban Kinh tế (EC), Thương mại và Đầu tư (CTI). Nhiều sáng kiến và biện pháp cụ thể đã được các nền kinh tế đề xuất, thảo luận, với mục tiêu triển khai các ưu tiên hợp tác APEC 2017, đặc biệt về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm, liên kết kinh tế khu vực và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.