Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Tĩnh Phan Trung Hiếu, Chủ tịch Hội LHVHNT Quảng Bình Phan Đình Tiến đồng chủ trì buổi tọa đàm.
Nhiều năm qua, nền văn học - nghệ thuật cả nước nói chung, khu vực Bắc miền Trung nói riêng phải đối mặt với một thực trạng đáng lo ngại là sự hẫng hụt thế hệ và sáng tác cầm chừng, thiếu những tác phẩm đỉnh cao. Nhiều chuyên ngành đứng trước khoảng trống khó lấp.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của đông đảo văn nghệ sỹ Hà Tĩnh - Quảng Bình.
Hiện nay, Hội LHVHNT Hà Tĩnh có 220 hội viên, trong đó, hội viên trẻ chỉ chiếm chưa đến 15%. Điều đó đồng nghĩa với việc, hội đang phải đối mặt với nguy cơ già hóa đội ngũ sáng tác trong hầu hết các chuyên ngành.
Chủ tịch Hội LHVHNT Hà Tĩnh Phan Trung Hiếu: Sự hẫng hụt thế hệ trẻ kế cận gây nên tình trạng sáng tác cầm chừng, thiếu những tác phẩm đỉnh cao.
Đối với một số lĩnh vực như văn nghệ dân gian, lý luận phê bình, nhiếp ảnh, âm nhạc không chỉ có dấu hiệu “đứt gãy” mà còn phản ánh sự giãn khoảng cách quá xa giữa các thế hệ.
Lĩnh vực thơ được coi là thế mạnh của Hà Tĩnh thì vị trí cũng đang rất khiêm tốn trên thi đàn cả nước.
Về văn xuôi, mỹ thuật, một số tên tuổi nổi bật và trình làng các tác phẩm có chỗ đứng như tác giả Trần Thị Ngọc Tú, Trần Quỳnh Nga, Trần Ngọc Diệp, Trần Hải Vân (văn xuôi), họa sỹ Lê Quang Lĩnh (mỹ thuật). Tuy nhiên, sau thế hệ này, lứa mới thuộc thế hệ 9x chưa thấy xuất hiện.
Nhà văn Nguyễn Thế Tường, hội viên Hội LHVHNT Quảng Bình: Cần tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc hội thảo chuyên môn để đội ngũ văn nghệ sỹ Hà Tĩnh - Quảng Bình giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.
Thực trạng này cũng đang là mối lo ngại đối với Hội LHVHNT Quảng Bình. Hiện nay, hầu hết hội viên của hội có tuổi đời từ 50 – 70, những hội viên trẻ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Các chuyên ngành sáng tác đều đang đứng trước nguy cơ “già hóa”, không tìm được thế hệ kế cận.
Tại buổi tọa đàm, các văn nghệ sỹ hai tỉnh đã bày tỏ những khó khăn và chia sẻ những kinh nghiệm quý trong quá trình sáng tác.
Nhà văn Đức Ban chia sẻ kinh nghiệm trong sáng tác với các tác giả trẻ.
Để phát triển sáng tác, đại biểu cho rằng rất cần vai trò phát hiện, tập hợp, xây dựng đội ngũ của các ban chuyên ngành, các chi hội cơ sở. Cùng với đó, tạo môi trường sáng tác, chính sách tạo động lực cho người trẻ sáng tạo như tăng cường các chuyến đi thực tế, giao lưu chuyên môn, hội thảo chuyên ngành…
Chủ tịch Hội LHVHNT Quảng Bình Phan Đình Tiến: Quảng Bình cũng đang đối mặt với tình trạng "già hóa" đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật, và cần một giải pháp "dài hơi" để khắc phục tình trạng này.
Một số đại biểu cũng đề xuất, ngoài đội ngũ sáng tác trẻ là hội viên của hội LHVHNT thì cần tranh thủ, mời gọi các tác giả là người Hà Tĩnh, Quảng Bình đang sinh sống ở các địa phương khác để tạo sự phong phú trong sáng tác.
Văn nghệ sỹ trẻ là sự tiếp nối truyền thống sáng tạo văn chương nghệ thuật, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa địa phương. Vì vậy, rất cần một chính sách “gieo trồng”, bồi dưỡng và phát triển kịp thời, hợp lý.