Theo Liên minh HTX Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 975 HTX hoạt động trên các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - điện, thương mại - dịch vụ tổng hợp - chợ, xây dựng - vận tải, môi trường, quỹ tín dụng nhân dân. Theo rà soát, trong số 975 HTX có 885 HTX đang hoạt động và 90 HTX ngừng hoạt động.
Vốn điều lệ bình quân 2,002 tỷ đồng/HTX; doanh thu bình quân đạt 1,3 tỷ đồng/HTX; lợi nhuận bình quân đạt 288 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên 4 triệu đồng/người/tháng...
Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX. Tuy vậy, hoạt động của khu vực KTTT hiện còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ HTX hoạt động tốt, khá chưa đạt yêu cầu.
Qua kết quả xếp loại của ngành chuyên môn, hiện có 130 HTX hoạt động tốt (tỷ lệ 13,3%), 282 HTX hoạt động khá (tỷ lệ 28,9%), 310 HTX hoạt động trung bình (tỷ lệ 31,8%); 143 HTX hoạt động yếu (tỷ lệ 14,7%); 90 HTX ngừng hoạt động (tỷ lệ 9,2%) và 20 HTX mới thành lập chưa tiến hành xếp loại (tỷ lệ 2,1%).
Theo đánh giá, phần lớn các HTX có quy mô nhỏ, sản phẩm đạt tiêu chuẩn còn ít; đội ngũ cán bộ quản lý HTX chủ yếu chưa qua đào tạo; cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin còn yếu; kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ KTTT, HTX đạt thấp; việc huy động vốn của HTX còn nhiều khó khăn, dư nợ cho vay HTX ở mức thấp…
Để nâng cao hiệu quả hoạt động khu vực KTTT, đòi hỏi bản thân mỗi HTX cần phải nỗ lực, tiếp tục đổi mới; chủ động góp vốn, xây dựng phương án sản xuất – kinh doanh khoa học; đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô để tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm...
Đồng thời, các sở, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ; kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các HTX, tạo động lực phát triển cho khu vực KTTT...