Tranh của tác giả Đỗ Như Điềm (Thái Bình)
Khi Thủ tướng Chính phủ phát đi thông điệp “chống dịch như chống giặc”, người dân ý thức rằng, đất nước đang hiểm nguy trước kẻ thù giấu mặt, phải bằng quyết tâm cao nhất, bằng đoàn kết trong ý chí để vượt qua thử thách vô cùng ghê gớm.
Đoàn kết ở đây, hẳn nhiên không bao giờ là siết tay nhau thật chặt, tập hợp càng đông đúc càng tốt để tấn công “kẻ địch” như một số thủ đoạn xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước đã tuyên truyền, mà là mở rộng sự nhất trí trong cộng đồng bằng một tinh thần chung, đại thể: mỗi người cần biết việc gì nên làm, việc gì không nên làm để sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Hẳn nhiên phương pháp, cách thức chống dịch được thực hiện nhiều hơn, quyết liệt hơn “5K” rất nhiều, nhưng “5K” như một châm ngôn súc tích cho ý chí thống nhất từ Trung ương đến địa phương: “chống dịch như chống giặc”. Rằng, bất kỳ đâu trên đất nước này, mọi công dân đều phải luôn: khẩu trang - khoảng cách - khử khuẩn - không tập trung - khai báo y tế. Nếu hiểu rõ tinh thần dân tộc, các lực lượng thù địch đã phải thoái lui từ đầu trước khi tung các thủ đoạn hòng diễn giải méo mó tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, tinh thần của Nhân dân trong cuộc đấu tranh cam go trước “kẻ thù” mà ai cũng biết rằng, chỉ có thể nhìn thấy qua thiết bị y học hiện đại.
Thực hiện nghĩa vụ công dân trong bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026, cử tri Hà Tĩnh không quên tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thực hiện nghiêm thông điệp 5K.
Không có tinh thần “chống dịch như chống giặc” được hiểu một cách phổ quát, thử hỏi, làm sao Hà Tĩnh lại có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, tổ chức tốt cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; làm sao có thể huy động được và chuyển được vào miền Nam hơn 1.295 tấn nhu yếu phẩm phục vụ đồng bào và đặc biệt, làm sao tổ chức được các đợt đón công dân từ các tỉnh phía Nam về quê, trong khi, ai cũng hiểu, thêm công dân về quê là thêm khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Việc đón công dân Hà Tĩnh từ các tỉnh, thành phía Nam về quê trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp đã thể hiện rất rõ quan điểm chỉ đạo của tỉnh, tạo được đồng thuận trong xã hội.
Đó là tinh thần tập thể, không ngại đón nhận gian khổ để sẻ chia, được truyền từ quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tới các tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng, tới mỗi người dân. Rằng, “đồng bào” hiểu đơn giản là cùng bọc trứng, phải “bầu ơi thương lấy bí cùng”. Và rằng, đó cũng là chia nhỏ “lửa dịch” với các tỉnh, thành, bởi vì: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương hay bất kỳ tỉnh, thành nào trong cả nước đều là “máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam” (Chủ tịch Hồ Chí Minh), vì một Việt Nam đoàn kết, sớm đẩy lùi dịch bệnh để ổn định, phát triển.
Trên tinh thần nhất trí ấy, trong yên bình, người dân Hà Tĩnh hôm nay vừa bình dị sản xuất, phòng dịch, vừa bình dị hướng về các tỉnh, thành, các khu cách ly tập trung như một lẽ tự nhiên.
Bà Trương Thị Thanh (69 tuổi, ở thôn Thanh Quang, xã Thạch Lạc, Thạch Hà) mấy tháng ròng hầu như không rời 4 sào ruộng, nhưng bà không quên mang hơn chục quả bí xanh đến nhà văn hóa thôn để gửi vào miền Nam - một miền Nam mà cả đời bà chưa hề đặt chân đến. Bà cũng không quên mua 2 hộp khẩu trang “dùng dần” và luôn đóng chặt cổng đề phòng xóm giềng tiện đường... ghé chơi.
Ngay cả em nhỏ, cụ già ở Hà Tĩnh cũng hòa vào tinh thần chung - ủng hộ đồng bào miền Nam chống dịch COVID-19
Một người dân như bà Thanh không biết smartphone, Facebook, Zalo và Hà Tĩnh đang có không biết bao nhiêu người như thế, đã chung sức chiến đấu với dịch bệnh như thế. Bởi vậy, nhiều người dân cách ly tập trung tại Hà Tĩnh đã được đội ngũ giáo viên, phụ nữ, đoàn thanh niên… phục vụ chu đáo. Nhiều người hết thời gian cách ly mà không mất khoản kinh phí nào đáng kể, bởi đã có bù đắp từ Nhân dân Hà Tĩnh (chỉ tính riêng từ ngày 27/7 - 26/8, toàn tỉnh đã huy động được 252.739 suất cơm phục vụ các khu cách ly). Đó là sự chia sẻ từ sức mạnh tập thể được duy trì trong cốt tủy mỗi người và được khơi lên từ hệ thống chính trị thống nhất trong chỉ đạo, bài bản trong tuyên truyền, thực hiện.
Thuyền của ngư dân ven biển Cẩm Xuyên như Cẩm Dương, Yên Hòa đã sơ tán được rất nhiều người dân trong nước lũ năm 2020.
Tinh thần ấy không khác nào cuộc chống chọi với “thủy thần” năm trước. Khi những cánh đồng, vườn đồi ở Cẩm Duệ, Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên), vùng đồng bằng ở Thạch Đài, Tân Lâm Hương (Thạch Hà) trở thành những biển nước hãi hùng, người dân phải sống trong tình cảnh vô cùng tồi tệ, bị đe dọa tính mạng, thì nơi miền biển xa xôi, những con thuyền vội vã lắp bánh xe ngược ngàn cứu hộ. Những người “ăn sóng nói gió”, quanh năm nhờ hơi thở của biển cấp tập lên đường vì những công dân xa ngái, khác hẳn phương thức sản xuất, phong tục, cách sống chỉ vì tiếng nói của trái tim.
Cũng với tinh thần tập thể hồn hậu đó, người dân Hà Tĩnh đã đóng góp vô cùng lớn vào xây dựng nông thôn mới (NTM) và đang vươn tới tỉnh đạt chuẩn NTM đầu tiên của cả nước. Vì sao Trung ương lại chọn Hà Tĩnh? Có rất nhiều nguyên nhân, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất, linh hoạt của hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh, từ chủ trương, chính sách ban hành sát đúng và vô vàn lý do khác, nhưng có lẽ, lớn mạnh nhất là tinh thần của mỗi người dân, những người dân luôn biết hy sinh vì tập thể.
Nhiều năm qua, người dân Hà Tĩnh đã quen với việc cuối tuần dành thì giờ làm nông thôn mới (Ảnh minh họa)
Họ luôn chăm bẵm ruộng đồng nhưng luôn dành thì giờ cho nông thôn mới một cách tự nhiên, như cách họ đếm mỗi cuối tuần bằng “thứ 7 đi làm NTM”. Và, khi cần cho thôn xóm, làng xã, họ sẵn sàng nhường đường, nhường nhà mà không đòi hỏi gì hơn. Đây là một biểu hiện khác của tình đoàn kết - đoàn kết là chung ý nguyện vì sự khang trang của thôn, xã, đổi mới của tỉnh nhà. Một khi có ý nguyện chung thì việc nhường tài sản, đất đai và đóng góp công sức, với người dân Hà Tĩnh, chẳng là trở ngại.
Nếu ai đó đứng từ lý thuyết đề cao chủ nghĩa cá nhân sẽ không bao giờ lý giải nổi những hành động của không phải một người, một gia đình mà toàn dân Hà Tĩnh, một tập thể Nhân dân lớn mạnh, được thôi thúc bởi “tâm hồn dân tộc”(1).
Đấy cũng là niềm tin để khẳng định một Việt Nam, một Hà Tĩnh đi tới trên con đường mang bản sắc của mình, với một trong những trụ cột là nền tảng tinh thần. Từ đây giải thích tại sao, Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII, Trung ương đặt ra yêu cầu xây dựng con người Việt Nam đi liền với xây dựng nền văn hóa dân tộc. Đến Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), Trung ương khẳng định rõ: Việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển, đồng thời cũng là nhiệm vụ hàng đầu trong các mục tiêu, nhiệm vụ về văn hóa.
-------
(1). Gustave Le Bon trong sách “Những quy luật tâm lý và sự tiến hóa của các dân tộc” (Nxb Thế giới, Hà Nội, 2015) cho rằng, đặc tính tinh thần và trí tuệ tạo thành tâm hồn dân tộc.