Biển động vì ảnh hưởng bão Sao La, những ngày qua, tàu thuyền của ngư dân Thạch Kim được kêu gọi về tránh trú tại âu thuyền Cửa Sót.
Thạch Kim là địa phương nằm nơi “đầu sóng, ngọn gió”, thường xuyên bị gió mạnh, mưa bão, triều cường gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống, tài sản, an toàn tính mạng của người dân. Vì vậy, mỗi khi mùa mưa bão đến gần, cấp ủy, chính quyền và bà con nơi đây lại chủ động “kích hoạt” công tác phòng chống nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Đặc biệt, địa phương ven biển này đã chủ động phương án bám sát địa bàn, kêu gọi tàu thuyền về bờ và neo đậu tránh trú, di dời người và tài sản ở vùng thấp trũng đến nơi an toàn, chằng néo nhà cửa, đảm bảo an ninh trật tự, khắc phục hậu quả thiên tai, phối hợp thực hiện cứu hộ, cứu nạn trên biển hiệu quả.
Các lực lượng tiến hành phân định vị trí, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu để đảm bảo an toàn, giữ trật tự, tránh tình trạng tranh giành vị trí neo đậu khi có mưa bão xảy ra.
Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim Phạm Duy Khánh cho biết: “Trong bối cảnh thiên tai diễn biến khó lường, chúng tôi đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch để ứng phó với bão mạnh và siêu bão. Theo đó, nếu có tình huống xấu xảy ra thì tất cả các lực lượng tại chỗ sẽ phối hợp cùng lực lượng tăng cường tập trung di dời người dân và tài sản ở vùng thấp trũng đến nơi an toàn.
Theo dự kiến, nếu xảy ra bão mạnh cấp 12, xã Thạch Kim sẽ di dời 150 hộ/631 nhân khẩu, còn ở cấp mạnh hơn thì di dời 202 hộ/631 khẩu ở những vùng xung yếu. Điểm đến là các công trình kiên cố như trụ sở, trường học, nhà thờ, nhà văn hóa... nằm cách bờ biển tối thiểu 1 km thuộc địa bàn thị trấn Lộc Hà, xã Thạch Châu”.
Nông dân Thạch Mỹ đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu để tránh các trận mưa bão sớm.
Cùng với Thạch Kim, tại thời điểm này, tất cả 11 xã, thị trấn còn lại của huyện Lộc Hà cũng đã cơ bản chuẩn bị xong công tác phòng chống thiên tai theo tinh thần “4 tại chỗ”. Từ huyện đến xã đã kiện toàn ban chỉ đạo, phân công các đoàn công tác bám địa bàn, huy động lực lượng thường trực, điều động đủ phương tiện, chuẩn bị hậu cần và có phương án ứng phó linh hoạt.
Đặc biệt, các địa phương đã lên phương án di dời người dân đến nơi an toàn, cụ thể là 2.091 hộ/7.143 nhân khẩu khi nước biển dâng, 450 hộ/1.204 khẩu khi ngập lụt ở các xã nội địa và 22 hộ/75 nhân khẩu ở vùng có nguy cơ sạt lở đất đá.
Các đơn vị thi công gấp rút hoàn thành các hạng mục phụ trợ của Trường Mầm non Thịnh Lộc.
Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc Nguyễn Khắc Phong cho biết: “Cùng với xây dựng kế hoạch sản xuất, bảo vệ và thu hoạch mùa màng phù hợp, chúng tôi đã tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng. Ngoài ra, xã cũng đã chủ động xây dựng đầy đủ, đồng bộ các phương án ứng phó với mọi tình huống như: tìm kiếm cứu hộ và cứu nạn cả trên bờ lẫn trên biển; phòng chống bão mạnh và nước biển dâng cao; sạt lở đất đá vùng ven chân núi; hộ đê và các công trình trên đê; đảm bảo an toàn cho tàu thuyền; di dân đến nơi an toàn; đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự và nhu yếu phẩm cần thiết”.
Dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao quy mô 70 ha ở xã Mai Phụ đang gấp rút được đào đắp để hạn chế ảnh hưởng mưa bão.
Hiện nay, ngoài nhà cửa dân sinh, trên địa bàn Lộc Hà có hàng trăm công trình hạ tầng đầu tư phát triển đang trong giai đoạn thi công, trong đó có nhiều công trình lớn, nằm ở vị trí xung yếu, dễ bị mưa bão tác động.
Vì vậy, người dân, các chủ đầu tư, nhà thầu và các đơn vị có liên quan đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ; trong đó, trọng điểm là các công trình như: đê Tả Nghèn, Trường Mầm non Hộ Độ, Trung tâm văn hóa huyện, hạ tầng Cụm công nghiệp Thạch Bằng, dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao ở Mai Phụ...
Công ty TNHH Như Nam khẩn trương thi công đê Tả Nghèn (đoạn qua thị trấn Lộc Hà) để đảm bảo an toàn cho công trình cũng như bảo vệ khu vực nuôi trồng thủy sản, ô nại làm muối khi mưa bão đến.
Anh Nguyễn Kim Dũng – cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Lộc Hà cho biết: “Dự án xử lý cấp bách đê Tả Nghèn có tổng mức đầu tư 182 tỷ đồng, có chiều dài hơn 10 km (nằm ở các xã Ích Hậu, Thạch Kim, thị trấn Lộc Hà) là một trong những dự án quan trọng nhất trong phòng chống thiên tai nhưng hiện đang dễ bị tác động xấu trong mùa mưa bão này.
Vì vậy, chủ đầu tư đang gấp rút đôn đốc nhà thầu và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ và chủ động xây dựng các biện pháp đảm bảo an toàn. Hiện nay, dự án đã hoàn thành được khoảng 70% tổng khối lượng (đã thi công được hơn 1 năm) và đang gấp rút hoàn thành sớm những hạng mục dễ bị hư hại khi có mưa bão, triều cường”.
Bộ đội Biên phòng phối hợp diễn tập phương án cứu hộ, cứu nạn.
Ông Lê Hồng Cơ - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Lộc Hà cho biết: “Với phương châm “phòng là chính, ứng phó phải kịp thời, khắc phục khẩn trương”, các địa phương, đơn vị, lực lượng và người dân ở Lộc Hà đã sớm triển khai phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và các phần việc khác để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, phối hợp cứu hộ, cứu nạn kịp thời.
Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện cũng đã xác định các vùng trọng điểm có thể bị ảnh hưởng cao để tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương và Nhân dân chủ động trong công tác phòng chống cũng như ưu tiên bố trí kinh phí, nhân lực. Ngoài ra, các công trình, dự án trọng điểm đang triển khai xây dựng cũng được đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo an toàn, chất lượng, nhất là các tuyến đê đang được nâng cấp”.