Một tổ chức xã hội dân sự cho rằng Chính phủ Indonesia không nên vội vàng nới lỏng các hạn chế xã hội tại các “vùng đỏ” trong bối cảnh đã có hơn 3.800 người ca tử vong do nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ngày 21/5, Lapor COVID-19 - tổ chức quy tụ nhiều nhóm xã hội dân sự - cho biết số người tử vong do nghi mắc COVID-19 tại 18 tỉnh và thành phố trên khắp cả nước đã lên tới 3.833 ca hôm 15/5 dựa trên thông tin chính thống do chính quyền các địa phương cung cấp.
Như vậy, cộng với 1.242 ca tử vong đã được Bộ Y tế xác nhận tính đến ngày 20/5, tổng số người thiệt mạng do nhiễm COVID-19 đã lên tới 5.075 người.
Trước đó, hôm 13/5, nhóm tình nguyện viên KawalCovid-19 cũng đã ghi nhận 3.180 ca tử vong do nghi mắc COVID-19, trong đó 3.091 ca ở các bệnh nhân đang được giám sát (PDP) và 90 ca ở những người đang được theo dõi (ODP).
Số liệu này được tổng hợp từ các trang web chính thống của 16 trong số 34 tỉnh thành trên khắp cả nước.
Theo số liệu cập nhật của KawalCovid-19, tính đến ngày 16/5, đã có 3.657 ca tử vong ở các PDP và ODP tại 18 tỉnh thành.
Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều do nhiều tỉnh không công bố các trường hợp tử vong ở các đối tượng PDP và ODP, trong đó có các khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.
Người phát ngôn của Lapor COVID-19, bà Irma Hidayana cho rằng chính phủ Indonesia đang tính sót số liệu các ca tử vong do COVID-19 và cần tuân thủ hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc tính gộp cả các ca tử vong do nghi nhiễm COVID-19.
Trong khi đó, tại một quốc gia Đông Nam Á khác là Thái Lan, các cơ quan an ninh của Thái Lan đã nhất trí kiến nghị kéo dài Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp cho tới hết tháng Sáu do tình hình đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 toàn cầu vẫn đáng lo ngại.
Truyền thông sở tại ngày 21/5 dẫn lời Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) Somsak Rungsita cho biết cuộc họp của ủy ban về việc nới lỏng các biện pháp hạn chế để phòng chống COVID-19 do ông làm Chủ tịch đã nhất trí về sự cần thiết gia hạn Sắc lệnh về Tình trạng Khẩn cấp thêm 1 tháng sau khi hết hạn vào ngày 31/5.
Người dân xếp hàng tại trung tâm thương mại Siam Paragon ở Bangkok, Thái Lan ngày 17/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Mặc dù Thái Lan đã thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19, biện pháp phòng ngừa thêm vẫn cần thiết để ngăn chặn khả năng xảy ra giai đoạn 2 của dịch COVID-19 sau khi nới lỏng biện pháp phong tỏa toàn quốc.
Ông Somsak cảnh báo nếu có đợt bùng phát thứ 2 thì thiệt hại sẽ khốc liệt hơn.
Nghị quyết nói trên sẽ được trình lên Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) xem xét. Nếu CCSA đồng ý thì sẽ trình đề xuất này lên cuộc họp nội các vào tuần tới để ra quyết định.
Về tình hình dịch COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này ngày 21/5 xác nhận thêm 3 ca nhiễm mới, nhưng không ghi nhận thêm trường hợp tử vong nào.
Như vậy, tính đến ngày 21/5, Thái Lan có tổng cộng 3.037 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 56 trường hợp tử vong./.