Thông tin này được Fars ngày 18/8 dẫn tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Iran Amir Hatami cho biết, nước này sẽ ra mắt máy bay chiến đấu mới vào tuần sau và sẽ tiếp tục đặt mục tiêu hàng đầu là phát triển tên lửa, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Dù Iran không tiết lộ loại chiến đâu cơ mới nào sẽ được ra mắt nhưng theo nhận định của giới quân sự phương Tây, nhiều khả năng đây chính là tiêm kích tàng hình Qaher được giối thiêu có thể chiến đấu ngang ngửa với F-22 của Không quân Mỹ.
Iran thử nghiệm tiêm kích Qaher. |
Nhận định này được cho là có cơ sở bởi chính hãng tin Fars trước đó đã tiết lộ, Không quân nước này vừa có thử nghiệm thành công trên mặt đất với tiêm kích tàng hình Qaher do nước này tự nghiên cứu và phát triển.
"Một trong những bài thử nghiệm đó là kiểm tra xem liệu chiếc máy bay có thể di chuyển trên đường băng hay không và nếu máy bay di chuyển đủ nhanh, nó sẽ có thể cất cánh", Fars dẫn lời Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Chuẩn tướng Hossein Dehqan cho biết.
Cùng với chuyến thử nghiệm thành công trên mặt đất, Chuẩn tướng Hossein Dehqan còn tuyên bố rằng chiến đấu cơ tàng hình Qaher do nước này phát triển có thể sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong tương lai không xa.
"Máy bay chiến đấu Qaher đang bước vào giai đoạn sản xuất cuối cùng và sẽ hoạt động trong tương lai gần", ông Hossein Dehqan cho biết thêm.
"Qaher là chiến đấu cơ tàng hình hạng nhẹ sẽ phục vụ hoạt động chiến đấu và huấn luyện có kích thước nhỏ bé đã được lên kế hoạch thiết kế trước đây và ngày hôm nay, chúng ta đã có thử nghiệm thành công đầu tiên và đang bước vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng", ông nói với thông tấn quốc gia FARS.
Không chỉ nói về tiến độ của chiếc Qaher, Tướng Dehqan cho biết chiến đấu cơ thế hệ 5 này được xây dựng trên cơ sở một bản thiết kế mới tối đa hóa sức mạnh chiến đấu của quân đội Iran, ông cho biết máy bay được trang bị hệ thống điện tử và vũ khí hiện đại có đủ khả năng chiến đấu ngang ngửa với F-22 của Mỹ.
Dù Iran đầy tự tin về sức mạnh và tiến độ sản xuất máy bay Qaher tuy nhiên Mỹ không nghĩ vậy. Theo tạp chí National Interest, phần lớn chuyên gia quân sự đều cho rằng, từ tổng thể đến các chi tiết của chiếc máy bay đều quá nhỏ, rất khó để trang bị các hệ thống điện tử hàng không, bình nhiên liệu, động cơ, chỗ ngồi cho phi công, hốc lấy gió hẹp...
Chiếc máy bay cũng không không có khoang vũ khí đặt trong thân máy bay, tính năng được đánh giá là cần thiết cho các máy bay thế hệ 5 để khiến nó tàng hình trước radar. Khu vực điều khiển bên trong buồng lái là nơi duy nhất của Qaher giống thật với những thiết bị phát triển cho máy bay chiến đấu nội địa đến từ công ty Dynon và Garmin.
Để trở thành một mẫu máy bay tàng hình thực thụ, Qaher còn cần có một lớp phủ ngoài đặc biệt nhằm tránh phản xạ radar, cũng như một phần mềm theo dõi diện tích phản xạ (SCR) nhằm giúp phi công có thể dễ dàng điều chỉnh khi chỉ số này tăng cao. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, chưa hề có bất kì dấu hiệu nào cho thấy Iran đã nắm vững hay đạt được thành tựu gì về công nghệ này.
Tuy nhiên, mọi nhận định của Mỹ mới chỉ dừng lại ở mức độ quan sát mô hình do Iran công bố. Chính vì vậy, sức mạnh thật của tiêm kích tàng hình Qaher với Mỹ và cả phương Tây hiện vẫn đang là điều bí ẩn.