Bộn thu từ vũ khí
Cơ quan Hợp tác và Xuất khẩu Quốc phòng Israel (SIBAT) thuộc Bộ Quốc phòng Israel ngày 2/5 công bố số liệu cho thấy, trong năm 2017, giá trị các hợp đồng xuất khẩu vũ khí của nước này đạt 9,2 tỷ USD. Đây là năm thứ ba liên tiếp xuất khẩu quốc phòng của Israel đạt mức tăng trưởng cao.
Giám đốc SIBAT Michel Ben-Baruch cho biết đây là một thành tựu đáng kể đối với ngành công nghiệp quốc phòng Israel, qua đó cho thấy ngành công nghiệp quốc phòng Israel đã được đánh giá cao và đáng tin cậy trên thế giới nhờ các công nghệ tiên tiến và chất lượng cao dựa trên các giải pháp độc đáo đã được minh chứng qua việc sử dụng của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).
Về cơ cấu xuất khẩu năm 2017, giá trị xuất khẩu của hệ thống tên lửa phòng không đạt 31%, hệ thống radar 17%, hệ thống điện tử 14%, đạn dược 9%, hệ thống thông tin liên lạc 9%, các thiết bị quan sát và quang học 8%, máy bay không người lái 2%, vệ tinh và vũ trụ 1%.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Barak 8 do Israel sản xuất |
Khách hàng lớn nhất của các công ty quốc phòng Israel là ở châu Á-Thái Bình Dương khi chiếm 58%, tiếp theo là châu Âu (21%), Bắc Mỹ (14%), châu Phi (5%) và khu vực Mỹ Latinh (2%).
Phần lớn các hợp đồng mới được ký kết thuộc về khu vực châu Á-Thái Bình Dương vì các nước trong khu vực này có nhu cầu cao về vũ khí để chống khủng bố. Việc này đã giúp củng cố vị thế của Israel trên thị trường quốc phòng thế giới.
Ông Ben-Baruch cho biết hiện Israel nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu quốc phòng hàng đầu thế giới.
Tờ The Jerusalem Post dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) xếp Israel là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ năm trên thế giới, sau Mỹ, Nga, Pháp và Đức.
Máy bay không người lái IAI Super Heron của Israel |
Theo SIPRI, khách hàng lớn nhất của Israel trong khu vực châu Á chính là Ấn Độ với việc nước này đã mua nhiều hệ thống vũ khí, tên lửa và máy bay không người lái trong những năm qua.
Báo chí Israel cho biết, riêng đối với hệ thống phòng thủ tên lửa hạm Barak 8, Israel đã xuất khẩu cho Ấn Độ hợp đồng lên tới 630 triệu USD.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, hầu hết các giao dịch đều được giữ kín và các quốc gia Đông Á đã trở thành một trong những khách hàng lớn nhất của Israel với các giao dịch trị giá khoảng 715 triệu USD trong năm 2017.
Theo tờ The Jerusalem Post, Việt Nam là khách hàng lớn thứ hai của Israel với giá trị các hợp đồng lên tới 142 triệu USD. Tiếp đến là Azerbaijan với tổng giá trị 137 triệu USD.
Súng bộ binh do Israel sản xuất cũng được nhiều nước ưa chuộng |
Trong khi đó, một quốc giá Đông Nam Á khác là Philippines cũng được biết đến lần đầu tiên với việc mua sắm hệ thống radar và các thiết bị chống tăng, trị giá khoảng 21 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, Israel là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn thứ 17 thế giới với mức tăng trưởng lên tới 125% trong 5 năm qua. Có tới 60% vũ khí nhập khẩu của Israel đến từ các nhà cung cấp Mỹ, trong đó có 50 chiếc F-35.
Răn đe Iran?
Thông tin về xuất khẩu vũ khí được Israel đưa ra giữa lúc tình hình nóng liên quan khả năng đụng độ với Iran tại Syria, thậm chí khả năng bùng phát xung đột quy mô lớn giữa hai nước.
Giới phân tích đặc biệt nhấn mạnh nguy cơ này, đặc biệt sau vụ việc ngày 9/4, máy bay Israel tấn công vào các mục tiêu quân sự của Iran ở sân bay quân sự Tiyas (T-4) nằm tại phía Đông thành phố Homs, khu vực miền Trung Syria.
Cuộc tấn công nhằm vào một số máy bay không người lái của Iran và các hệ thống kỹ thuật quân sự của Iran đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng. Theo thông tin mà phía Iran công bố, có 7 vệ binh cách mạng Iran trong số những người thiệt mạng, một trong số đó là sỹ quan chịu trách nhiệm chỉ huy các máy bay không người lái của Iran ở Syria.