“Trong một thế giới với các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, cùng những cuộc khủng hoảng trải dài từ Trung Đông đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chỉ có Liên minh châu Âu (EU) mới có thể bảo vệ được các công dân Italy, Đức, Pháp hay Slovenia”, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani ngày 7/1 cho biết.
"Nếu muốn trở thành người gìn giữ hòa bình trên thế giới, chúng ta cần có lực lượng quân đội của châu Âu. Đây là điều kiện tiên quyết cơ bản để có thể xây dựng chính sách đối ngoại hiệu quả của châu Âu", ông Tajani nhận định.
Xe tăng Italy tham gia diễn tập tại thao trường Hohenfels, Đức tháng 2/2021. Ảnh: US Army
Theo ông Tajani, EU gồm 27 quốc gia nên hợp lý hóa cơ cấu lãnh đạo của liên minh và có một chủ tịch uy nhất, thay vì cơ cấu hiện tại gồm một chủ tịch Hội đồng châu Âu và một chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Hợp tác quốc phòng châu Âu được đề cao trong chương trình nghị sự của EU sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022. Tuy nhiên, các nỗ lực tập trung nhiều hơn vào mở rộng NATO . Phần Lan, một thành viên EU, gia nhập NATO vào năm ngoái và Thụy Điển đang trong quá trình xin gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tháng 11/2018 kêu gọi thành lập quân đội châu Âu nhằm giúp châu lục tự chủ hơn trong đảm bảo an ninh, bớt phụ thuộc vào Mỹ. Thủ tướng Đức khi đó là Angela Merkel cũng đưa ra ý tưởng tương tự.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phương Tây bày tỏ hoài nghi về ý tưởng thành lập quân đội châu Âu mà Pháp nêu ra. Họ nhận định mỗi nước trong EU đều có mục đích và lợi ích riêng, khó có thể đồng thuận về mục tiêu chung khiến đề xuất về quân đội châu Âu khó trở thành hiện thực.