KCNA: Bộ Ngoại giao Triều Tiên từ chối lời đề nghị đàm phán của Mỹ

KCNA dẫn thông báo nêu rõ Bộ Ngoại giao Triều Tiên hoan nghênh thông báo của bà Kim Yo-jong - em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhằm chặn đứng đánh giá, phỏng đoán và kỳ vọng vội vàng của phía Mỹ.

KCNA: Bộ Ngoại giao Triều Tiên từ chối lời đề nghị đàm phán của Mỹ

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Son-gwon. (Ảnh: Getty Images)

Ngày 23/6, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Son-gwon đã từ chối lời đề nghị nối lại đàm phán hạt nhân của Mỹ, cho biết hiện Bình Nhưỡng chưa cân nhắc khả năng liên lạc với Washington.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, thông báo trên của người đứng đầu ngành ngoại giao Triều Tiên được đưa ra chỉ một ngày sau khi bà Kim Yo-jong, một quan chức cấp cao đảng Lao động Triều Tiên và là em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un , đã bác bỏ khả năng Bình Nhưỡng sớm nối lại các cuộc đàm phán với Washington.

KCNA dẫn thông báo của ông Ri Son-gwon nêu rõ Bộ Ngoại giao Triều Tiên hoan nghênh thông báo trước đó của bà Kim Yo-jong nhằm chặn đứng đánh giá, phỏng đoán và kỳ vọng vội vàng của phía Mỹ.

Triều Tiên thậm chí không cân nhắc khả năng có bất kỳ liên hệ nào với Mỹ vì chỉ điều đó sẽ không giúp đi tới đâu mà còn lãng phí thời gian quý giá.

Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên được đưa ra sau chuyến thăm Seoul của đặc phái viên hạt nhân Mỹ về vấn đề Triều Tiên kiêm Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim .

Trả lời phỏng vấn ngày 23/6 trước khi kết thúc chuyến thăm Seoul để tới Jakarta, ông Sung Kim cho biết ông đã có các cuộc thảo luận “tuyệt vời” với các quan chức hàng đầu của Hàn Quốc, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi đối thoại của Washington với Bình Nhưỡng.

Trong thời gian ở thăm Seoul, ông Sung Kim đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng như có các cuộc thảo luận song phương, ba bên với những người đồng cấp Hàn Quốc Noh Kyu-duk và Nhật Bản Takehiro Funakoshi, đồng thời tiếp xúc với giới học giả Hàn Quốc.

Trong các cuộc gặp, ông Sung Kim tái khẳng định Mỹ sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên “vào bất kỳ lúc nào và địa điểm nào mà không cần điều kiện tiên quyết,” đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản trong việc nối lại đàm phán ngoại giao về vấn đề hạt nhân với Triều Tiên.

Thông báo mới nhất của Bộ Ngoại giao Triều Tiên càng khiến triển vọng nối lại đàm phán hạt nhân Mỹ- Triều Tiên trở nên mờ mịt.

Kể từ cuối tháng 4, Nhà Trắng đã nhiều lần phát tín hiệu mong muốn nối lại các cuộc đối thoại với Triều Tiên.

Tuy nhiên, bên cạnh đề xuất đối thoại và các bình luận tích cực, ngày 21/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt Triều Tiên thêm một năm.

Các chuyên gia cũng cho rằng chính quyền của ông Biden sẽ không nới lỏng trừng phạt trước khi Bình Nhưỡng có các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa./.

Theo Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Israel tuyên bố "không ngừng bắn" ở Liban

Ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Israel Katz cho biết nước này sẽ tiếp tục dồn toàn lực tấn công phong trào Hezbollah tại Liban và sẽ không có lệnh ngừng bắn.
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết

Trưa 6/11 theo giờ Việt Nam, sắc đỏ (biểu tượng của đảng Cộng hòa) đã thống trị trên bản đồ bầu cử Mỹ khi ứng cử viên tổng thống Donald Trump giành chiến thắng thuyết phục trước Phó Tổng thống Kamala Harris của đảng Dân chủ tại hầu hết các bang chiến địa.
Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump tạm dẫn trước bà Harris

Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump tạm dẫn trước bà Harris

Theo hãng tin Reuters, tính đến 9 giờ sáng 6/11 theo giờ Việt Nam, kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa đang nới rộng khoảng cách với 154 phiếu đại cử tri, so với 30 phiếu đại cử tri dành cho bà Kamala Harris.