Kẹo lạc Việt Xuyên - sản phẩm tiêu biểu Bắc Trung bộ

(Baohatinh.vn) - Giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng, sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã giúp cho kẹo lạc Tú Uyên ở thôn Trung Trinh - xã Việt Xuyên (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đứng vững trên thị trường. Sản phẩm vừa được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực Bắc Trung bộ 2018.

Nhanh tay đảo mẻ kẹo vàng ươm, thơm ngào ngạt, chị Uyên (chủ cơ sở sản xuất) vui vẻ giới thiệu với chúng tôi quy trình làm những mẻ kẹo thành phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng. Nguyên liệu để làm kẹo bao gồm lạc, vừng, mạch nha, đường, gừng… Dù là những nguyên liệu phổ biến nhưng ngay từ khâu đầu vào đã phải được chọn lựa kỹ càng. Lạc, vừng được mua từ những vùng trồng có tiếng như Thạch Văn, Thạch Châu; mạch nha, đường đặt từ những cơ sở có thương hiệu.

Kẹo lạc Việt Xuyên - sản phẩm tiêu biểu Bắc Trung bộ

Để làm ra những mẻ kẹo chất lượng, nguyên lệu phải được chọn mua từ những địa chỉ uy tín,

có thương hiệu

Điều quan trọng nhất để làm nên chất lượng của sản phẩm vẫn là tay nghề của người nấu. Mạch nha, đường kính, lạc rang... sau khi trộn lẫn sẽ được nấu lên thành hỗn hợp sền sệt đặc trưng. Khi đường chuyển màu nâu caremen, phải tắt bếp ngay vì chỉ cần nhanh chậm vài giây thôi sẽ khiến màu sắc của kẹo lạc không được như ý. Kẹo nấu chín được đổ ra khuôn đã rải sẵn một lớp vừng, cán nhanh tay để kẹo dàn mỏng, đều, không bị vón cục trước khi cắt thành miếng nhỏ và đóng gói. Tất cả các công đoạn đều được người thợ thao tác rất nhanh nhưng cẩn thận để đảm bảo độ giòn, ngon, thơm bùi của từng miếng kẹo.

Kẹo lạc Việt Xuyên - sản phẩm tiêu biểu Bắc Trung bộ

Chị Uyên đang chăm chút cho mẻ kẹo sắp ra lò

Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, chị Uyên bùi ngùi: “Gia đình chồng chị nghèo lắm. Mẹ chồng mất từ khi chồng chị mới 6 tuổi, bố chồng nuôi các con khôn lớn bằng nghề nấu kẹo cu đơ. Trước đây, anh chị đều làm công nhân trong miền Nam, gặp nhau rồi nên duyên. Chị quê gốc ở Thọ Xuân (Thanh Hóa), nhà có truyền thống làm kẹo lạc, kẹo vừng hàng chục năm nay. Khi về làm dâu nhà anh, chị đã đưa nghề của bố mẹ chị, kết hợp vơi nghề nấu kẹo cu đơ của nhà chồng, rồi mở rộng sản xuất. Những ngày đầu chỉ vẻn vẹn số vốn 7 triệu đồng được vay từ Ngân hàng NN&PTNT, anh chị chỉ có thể sản xuất nhỏ lẻ bằng phương pháp thủ công. Ngày đó, không tìm được đầu ra cho sản phẩm do người tiêu dùng Hà Tĩnh chỉ quen với kẹo cu đơ, kẹo lạc chưa được nhiều người biết đến trên thị trường.

Kẹo lạc Việt Xuyên - sản phẩm tiêu biểu Bắc Trung bộ

Sản phẩm kẹo lạc Tú Uyên đã dần có chỗ đứng trên thị trường Hà Tĩnh và một số tỉnh lân cận

Sau những tháng ngày phải vất vả tìm kiếm đầu ra, đưa sản phẩm giới thiệu đến tận các đại lý nhỏ, anh chị quyết định vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Nhờ sử dụng trang thiết bị máy móc hiện đại cùng với nhiều kinh nghiệm trong sản xuất kẹo lạc truyền thống, sản phẩm của gia đình ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Dần dần, sản phẩm làm ra được người tiêu dùng biết đến và khẳng định được chỗ đứng tại địa bàn trong tỉnh, một số tỉnh lân cận như Nghệ An, Thanh Hóa.

Những năm gần đây, cơ sở của anh chị còn ký được hợp đồng cung ứng sản phẩm với các doanh nghiệp ở Lâm Đồng, Đồng Nai với số lượng lớn, ổn định. Chị Uyên cho biết, hiện cơ sở của chị giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động tại địa phương, mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 1,5 - 2 tấn kẹo.

Kẹo lạc Việt Xuyên - sản phẩm tiêu biểu Bắc Trung bộ

Cơ sở kẹo lạc Tú Uyên giải quyết việc làm cho 5 lao động tại địa phương.

Với cách đầu tư hiệu quả, nhiều năm liền, sản phẩm kẹo lạc Tú Uyên đã được nhận thưởng nhiều bằng khen, giấy khen trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi và được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh năm 2017, của khu vực Bắc Trung bộ năm 2018.

Từ một hộ 10 năm thuộc đối tượng hộ nghèo của xã, anh chị đã có trong tay một cơ ngơi khang trang. Ngoài đầu tư máy móc sản xuất, đóng gói sản phẩm, anh chị còn mua sắm được xe ô tô, nuôi 2 con ăn học. “Trải qua khó khăn để có được ngày hôm nay, chúng tôi càng thấy quý trọng những gì đang có và luôn tâm niệm một điều, mình đã được truyền nghề từ cha mẹ nên phải làm sao giữ được lửa nghề cho con cái về sau.” - Chị Uyên chia sẻ.

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.