Kẹo lạc vừng Tú Uyên (thôn Trung Trinh, xã Việt Xuyên, nay là xã Việt Tiến, Thạch Hà) từ lâu đã nức tiếng bởi độ béo ngậy, thơm giòn. Đầu tháng 12 âm lịch, rất nhiều khách hàng đã tới cơ sở sản xuất để đặt mua. Trung bình mỗi ngày, cơ sở tiêu thụ hơn 3 tạ sản phẩm. Để có hương vị đặc trưng được nhiều khách hàng truyền tai nhau, lạc rang phải đảm bảo độ ngon, béo. Lạc sau khi rang, tách vỏ lụa, sẽ được cho vào lò sấy, đảm bảo độ giòn...
... vừng trắng cũng phải qua khâu tuyển chọn thật kỹ; lọc bỏ những hạt lép, giữ lại hạt trắng mẩy tròn, tăng thêm độ béo cho chiếc kẹo lạc
Dẫu nguyên liệu làm kẹo lạc vừng nơi đâu cũng giống nhau, nhưng sản phẩm mỗi nơi có một hương vị rất khác. Điều này nằm ở bí quyết riêng của người nấu. Mạch nha, đường kính, lạc rang... sau khi hòa lẫn sẽ được nấu lên để trở thành hỗn hợp sền sệt đặc trưng. Hỗn hợp này sẽ được nấu trong thời gian 10 phút.
Mạch nha sau khi đạt được độ quánh và màu sắc vừa phải sẽ được đổ vào khuôn. Bước tiếp theo, người làm kẹo sẽ tiến hành rắc vừng trắng....
... rồi phải thật nhanh tay cán theo chiếc khuôn để hạt mè rang bám đều các mặt
Tùy vào mức độ điều chỉnh máy định hình, kẹo được cắt thành từng miếng nhỏ.
Để làm được một mẻ kẹo lạc vừng ngon, giòn, tơi, sáng, đòi hỏi người làm phải nắm được kỹ thuật, trộn hỗn hợp đúng tỷ lệ, đúng thời gian. Nấu mật lâu quá thì kẹo sẽ cứng, sẫm màu, còn chưa đủ thời lượng thì kẹo sẽ non mềm, dễ chảy nước.
Tiếp đó là tách sản phẩm để đưa vào dây chuyền đóng gói. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Trọng Thắng - chủ cơ sở sản xuất, mỗi mẻ kẹo chỉ cho ra từ 3,5 - 4 kg thành phẩm. Giá thành kẹo lạc vừng từ 35-50 nghìn đồng/kg. Chỉ tính riêng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2019, cơ sở sản xuất kẹo lạc Tú Uyên tiêu thụ được gần 6 tấn. Thị trường đầu ra chủ yếu ở Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Ăn kẹo lạc, uống chè xanh là một nét đẹp trong tâm thức người Hà Tĩnh vào ngày Tết. Trong thoang thoảng mùi hương trầm, mọi người ngồi nhấm nháp từng viên kẹo lạc giòn tan trong miệng, cảm nhận cái ngọt ngào của mật, cái béo bùi của lạc, cái thơm nồng của cốm nếp, gừng tươi, nghe “vị quê” lan tỏa, trong không khí mùa xuân đang về.