Khi người trẻ thích “sống ảo”

(Baohatinh.vn) - Sự bùng nổ của internet và mạng xã hội đã có những tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ và hành vi của giới trẻ ngày nay. Nhiều người xa rời cuộc sống thực tế để tìm đến với cuộc sống mới mang tên “sống ảo”.

Tôi có một cô bạn học thời cấp 2, đã rất lâu tôi không gặp lại và cũng không có thông tin gì về cuộc sống của cô ấy. Ngày còn đi học cùng nhau, hoàn cảnh gia đình bạn ấy khá khó khăn. Trong trí nhớ của tôi, cô bạn ấy là một người trầm tính, ít nói và giản dị.

Khi người trẻ thích “sống ảo”

Ngày càng có nhiều người trẻ thích lối sống ảo, đánh bóng hình ảnh của bản thân trên mạng xã hội. Ảnh minh họa từ internet.

Tuần trước có một tài khoản mạng xã hội gửi lời mời kết bạn cho tôi qua Facebook. Tên tài khoản trùng với tên cô bạn cũ nên tôi đã vào trang cá nhân ấy để xem thông tin. Tôi ngờ ngợ không nhận ra người quen bởi chủ nhân của trang mạng ấy không còn là cô bé giản dị, nhút nhát ngày nào mà là một cô gái sành điệu, thường xuyên check-in những nơi sang trọng, những chuyến du lịch sang chảnh.

Hơi bất ngờ nhưng tôi mừng cho bạn mình vì có lẽ nhờ nỗ lực và may mắn, bạn ấy đã thay đổi cuộc đời. Thế nhưng, khi tôi hỏi những người bạn cũ mới biết rằng, thực ra gia đình bạn ấy giờ vẫn chẳng hề khá giả hơn, cha mẹ già yếu và nghèo túng, anh chị em lưu lạc. Bản thân bạn ấy không có nghề nghiệp ổn định, chưa có gia đình riêng trong khi hầu hết bạn bè cùng tuổi đã yên bề gia thất.

Khi người trẻ thích “sống ảo”

Hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn cố vay mượn để sống sang chảnh đang là lựa chọn của không ít bạn trẻ. Ảnh minh họa nguồn internet.

Tôi còn nghe thông tin rằng, để tạo dựng cho mình một hình ảnh đẹp đẽ về cuộc sống sang chảnh, đủ đầy trên mạng xã hội, bạn ấy đã mượn tiền của rất nhiều người quen và không trả. Số tiền mượn không quá lớn nên nhiều người cũng tặc lưỡi cho qua, tự dặn mình không mắc lừa lần sau. Mọi người cảnh báo tôi hãy cẩn trọng khi bỗng dưng bạn ấy liên lạc sau nhiều năm không gặp, bởi rất có thể đó là khởi đầu cho việc vay mượn tiền mà không hẹn ngày trả lại.

Tôi thoáng buồn khi nghe được những điều đó về bạn mình. Điều gì đã biến bạn ấy trở thành một con người như vậy nếu không phải là căn bệnh “sống ảo”? Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, có lẽ không khó để bắt gặp những con người chạy theo giá trị ảo đến nỗi đánh mất bản thân mình như cô bạn cũ của tôi.

Khi người trẻ thích “sống ảo”

Cuộc sống ảo đang khiến nhiều người trẻ dần rời xa những giá trị ở đời thực. Ảnh minh họa từ internet.

Sự phát triển không ngừng của mạng xã hội khiến không ít người coi số lượt like, comment, share các hình ảnh, bài viết mà cá nhân đăng tải trở thành thước đo giá trị mỗi người. Với họ, sự tương tác, hình ảnh trên thế giới ảo quan trọng đến mức sẵn sàng đánh đổi con người thật, các mối quan hệ thật, thậm chí là danh dự của bản thân.

Không chỉ phô trương lối sống xa hoa khi điều kiện bản thân không cho phép, nhiều bạn trẻ thiếu hiểu biết, thiếu suy nghĩ đã biến mạng xã hội thành công cụ để mình trở nên nổi tiếng nhanh chóng thông qua những việc làm, phát ngôn gây sốc. Ngay cả những chuyện quá riêng tư về tình cảm, gia đình, thông tin cá nhân cũng được chính “khổ chủ” phơi bày trên các trang mạng mà không biết rằng, điều đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Thể hiện bản thân, cá tính trên mạng xã hội là một nhu cầu chính đáng của mỗi người. Nó cũng là cách mọi người giao lưu, kết nối với thế giới xung quanh mình, củng cố và tạo dựng các mối quan hệ trong công việc, cuộc sống. Tuy nhiên, sự thể hiện đó chỉ nên dừng ở mức độ vừa phải, phù hợp với điều kiện của bản thân. Đừng vì chạy theo những giá trị ảo, lối sống ảo mà đánh mất bản thân lúc nào không hay biết.

Chủ đề Công nghệ 4.0 tại Hà Tĩnh

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.