Ngày 5/6/1959, Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tĩnh ban hành Quyết nghị số 305-NQ/TU thành lập Ban Kỹ thuật tỉnh Hà Tĩnh, tiền thân của Sở KH&CN (KH&CN) tỉnh Hà Tĩnh.
Từ tên gọi đầu tiên là Ban Kỹ thuật Hà Tĩnh, đơn vị nhiều lần đổi tên thành Ủy ban Khoa học kỹ thuật (KHKT), Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường và nay là Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh nhằm phù hợp với vai trò, nhiệm vụ của từng thời kỳ.
Dù ở giai đoạn nào, hoàn cảnh nào, hoạt động KH&CN luôn bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; luôn đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN.
Ban Kỹ thuật Hà Tĩnh ra đời trong bối cảnh miền Bắc mới được giải phóng, các địa phương đang khẩn trương khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế, chuẩn bị thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Lúc này, nông nghiệp chậm phát triển, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa có gì đáng kể; cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng còn nhiều khó khăn nhưng ngành KH&CN đã cùng các ngành quyết tâm khắc phục khó khăn, đưa nền kinh tế của tỉnh từng bước phát triển.
Giai đoạn 1959-1965, hoạt động KHKT chủ yếu là công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, tổ chức giới thiệu, phát động các phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, thay thế giống mới có chất lượng cao hơn và cải tiến công cụ sản xuất.
Từ những năm 1965-1975, đế quốc Mỹ tăng cường các hoạt động đánh phá với dã tâm đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Trong bối cảnh đó, ngành KHKT đã nhanh chóng chuẩn bị những điều kiện cần thiết để chuyển hướng nhiệm vụ từ trọng tâm nghiên cứu phục vụ sản xuất sang phục vụ chiến đấu và sản xuất thời chiến, cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Năm 1976, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, nhiệm vụ cấp bách lúc này của Ban Khoa học và Kỹ thuật Nghệ Tĩnh là khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, chuyển đổi vụ sản xuất hè thu và xây dựng các công trình thủy lợi.
Năm 1991, tỉnh Hà Tĩnh được tái lập, lúc bấy giờ, thách thức lớn nhất là thiếu lương thực. Tỉnh xác định, yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề này là phải ứng dụng KHKT vào sản xuất. Vì vậy, hoạt động KH&CN tập trung phục vụ các chương trình kinh tế, dân sinh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.
Trong vòng 2 năm (đến năm 1993), toàn tỉnh có 30 đề tài nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào các ngành, đơn vị SXKD; nhiều đề tài được ứng dụng trong ngành nông nghiệp như lai tạo giống lúa, cây công nghiệp lâu năm, nuôi trồng thủy sản,… đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.
Giai đoạn từ năm 2002 đến nay, có 68 đề tài, dự án cấp Nhà nước; 661 đề tài, dự án cấp tỉnh; hàng trăm đề tài, dự án, đề án KH&CN cấp cơ sở được triển khai. Các chương trình, đề tài, dự án tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm của tỉnh; cung cấp luận cứ khoa học giúp Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, ngành hoạch định chủ trương, cơ chế chính sách, đổi mới quy trình quản lý, áp dụng kỹ thuật mới, góp phần phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Thị trường KH&CN ngày càng được mở rộng, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN tăng theo từng năm. Hà Tĩnh đã hợp tác với các viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu ứng dụng và hỗ trợ chuyển giao thành công nhiều công nghệ mới vào SXKD, bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị các sản phẩm, như: công nghệ chế biến gạo xuất khẩu, hệ thống dây chuyền tự động hóa sản xuất bê tông, gạch, ngói không nung (Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản); công nghệ sản xuất, chế tạo các sản phẩm cơ khí, kết cấu thép; sản xuất các sản phẩm ván ghép thanh, MDF, HDF từ gỗ rừng trồng; nuôi cấy mô tế bào; sản xuất phân hữu cơ vi sinh; xử lý mùi, nước thải trong chăn nuôi; sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu…
Tốc độ đổi mới công nghệ giai đoạn 2015-2020 trung bình đạt 13,6%/năm, giai đoạn 2020-2023 đạt 23%/năm.
Hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực được đẩy mạnh. Đến nay, Hà Tĩnh có 15 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ độc quyền, chỉ dẫn địa lý. Có 2.943 đơn đăng ký, 2.032 văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ; đưa Hà Tĩnh trở thành tốp đầu các tỉnh có số sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trên cả nước, nâng giá trị của sản phẩm tăng từ 15-25%.
Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang bứt phá mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy phát triển. Ngành KH&CN cũng đã hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tỉnh Hà Tĩnh (https://checkvn.hatinh.gov.vn).
Công tác quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân, tiêu chuẩn đo lường chất lượng không ngừng được đổi mới và nâng cao chất lượng. Hoạt động thanh tra chuyên ngành KH&CN không ngừng được tăng cường và có nhiều đổi mới. Các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở KH&CN đã thực hiện tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên. Việc xã hội hóa các hoạt động KH&CN đã từng bước được thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh. Tính từ năm 2015 đến nay đã huy động gần 130 tỷ đồng vào hoạt động nghiên cứu, triển khai nhiệm vụ cấp tỉnh và Trung ương.
Ghi nhận những thành tích trong 65 năm qua, Sở KH&CN đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2000), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2004), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2009); Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&CN, BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng nhiều bằng khen cho tập thể và cá nhân; tỉnh Bolikhămxay, nước CHDCND Lào tặng nhiều bằng khen cho tập thể và cá nhân vì đã có nhiều thành tích đóng góp phát triển KH&CN, hợp tác, hữu nghị.
Kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm trên chặng đường đã qua, ngành KH&CN tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ KH&CN, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững.