Cũng là nạn nhân bị ép giá nhưng câu chuyện của anh bạn tôi lại là hình thức ép giá trá hình. Số là, anh vừa sử dụng dịch vụ giá rẻ của một đơn vị lữ hành, tuy nhiên, khi chuyến đi kết thúc, trở về nhà anh mới ngớ người ra là mình bị “ăn tiền” một cách gian manh.
Tour mà anh chọn có chi phí về ăn uống, lưu trú và di chuyển khá thấp nhưng đơn vị lữ hành lại đưa khách đến những địa chỉ mua sắm, vui chơi chất lượng thấp với giá “trên trời”. Tâm lý đi du lịch là để vui chơi và mua sắm đặc sản các vùng miền nên anh cũng mua khá nhiều.
Về sau, tìm hiểu mới biết, doanh nghiệp lữ hành đã ăn chia phần trăm hoa hồng từ số tiền du khách mua sắm, vui chơi. Chiêu thức này không còn mới mẻ, thế nhưng, cũng không ít người thiếu thông tin, thiếu sự tìm hiểu kỹ lưỡng để rồi phải ôm mối ngậm ngùi như anh bạn tôi.
Du lịch đang vào mùa cao điểm và câu chuyện ép giá các dịch vụ lại một lần nữa “nóng” lên trên các diễn đàn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đầy đủ thông tin, không phải ai cũng lựa chọn được những đơn vị cung cấp dịch vụ một cách đảm bảo… để không bị “chặt chém” khi đến các khu, điểm du lịch.
Bên cạnh đi du lịch theo tour, nhiều cá nhân, gia đình, đơn vị lại lựa chọn du lịch tự túc. Đây chính là nhóm khách hàng “tiềm năng” cho những hành vi “chặt chém”, ép giá của các bên cung cấp dịch vụ.
Nhiều người bạn của tôi chia sẻ, dù đến một địa chỉ có cảnh quan đẹp, dịch vụ ổn nhưng giá cả quá “chát” hoặc không minh bạch thì ấn tượng tốt đẹp về miền đất đó cũng vơi đi bội phần. Họ sẽ có ấn tượng xấu đối với văn hóa, con người của vùng đất đó và sẽ ngần ngại trở lại.
Ép giá, “chặt chém” nghe ra thì có vẻ được lợi nhưng là lợi bất cập hại. Bằng chứng là ở nhiều điểm đến, tỷ lệ du khách quay lại rất thấp. Thậm chí, hiện nay, nhiều tour trong nước có chi phí cao hơn các tour nước ngoài do giá cả lưu trú, ăn uống tăng lên trong mùa cao điểm khiến du khách quay lưng với tour trong nước. Khôn hay dại, có lẽ ai cũng biết nhưng vì cái lợi trước mắt, nhiều người vẫn bỏ qua quy định để thực hiện những hành vi gây hậu quả lớn cho ngành du lịch. Chắc hẳn, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ khách nước ngoài quay lại Việt Nam trong nhiều năm qua không cao.
Nhìn lại du lịch Hà Tĩnh, tuy không để lại ấn tượng xấu về ép giá du khách nhưng tình trạng này cũng không phải là không có, nhất là ở những khu, điểm du lịch biển. Do phải tái đầu tư sau thời gian dài “nghỉ đông” nên một số cơ sở kinh doanh vẫn nảy sinh tâm lý “chộp giật”, nâng giá dịch vụ mùa cao điểm để bù các khoản đầu tư. Điều đó ít nhiều để lại những ấn tượng không tốt đối với du khách.
Hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch đã bước vào đợt cao điểm, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng ép giá, “chặt chém” du khách vẫn là bài toán mà ngành du lịch cũng như các địa phương phải vất vả tìm câu trả lời. Tôi nghĩ, ngoài những hình thức xử lý các cơ sở kinh doanh vi phạm, vấn đề cốt lõi là phải làm thế nào cho họ nhận thức được khôn - dại trong hành vi của mình, giúp họ bỏ đi cái lợi trước mắt để đảm bảo lợi ích lâu dài.