Hà Tĩnh hiện có 1 sàn giao dịch TMĐT đã đăng ký với Bộ Công thương theo Thông tư 47/2014/TT-BCT.
Với hình thức mua hàng nhanh, gọn, thuận tiện, đi kèm hình ảnh quảng cáo hấp dẫn nên mua hàng qua mạng vẫn có sức hút mạnh mẽ với người tiêu dùng. Hiện nay, không chỉ có các website bán hàng thuần túy mà nhiều người còn sử dụng các trang mạng xã hội để bán hàng. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp sau khi nhận được hàng từ hình thức mua bán này, người mua bực bội tự cam kết “cạch đến già”.
Chị Nguyễn Phương Thảo (nhân viên kế toán) chia sẻ: “Nhiều lúc chưa có ý định mua nhưng khi màn hình máy tính xuất hiện những quảng cáo rất hấp dẫn nên tôi… cầm lòng không đặng. Đã xác định phải “trừ hao” khi nhận hàng thật so với quảng cáo nhưng lần mua đôi giày da tặng sinh nhật chồng mới đây thì tôi vô cùng thất vọng. Phải trả 630.000 đồng cả phí ship nhưng đôi giày chẳng khác nào loại rẻ tiền được bán đầy rẫy ngoài chợ”.
Không phải chuyển tiền trước và có thể đổi hàng sau khi nhận nhưng anh Lê Thành Đô (Hương Sơn) cũng không khỏi bực mình. Anh Đô cho hay: “Cũng “dại” khi xem quảng cáo trên facebook nên tôi mới mất oan gần 400.000 đồng cho một cái kính chống lóa ban đêm như lời quảng cáo. Khi nhận hàng, tôi còn tưởng nhân viên giao nhầm vì hình dáng quá khác, chất lượng quá tệ so với trên mạng. Mặc dù có thể đổi sản phẩm khác nhưng phiền hà, mất công nên tôi đành ôm về… vứt sọt rác”.
Khi có nhu cầu nhập kính mắt thời trang về bán tại cửa hàng, chị Thanh Tâm (TP Hà Tĩnh) tìm hiểu và “bắt” được mối hàng qua mạng xã hội facebook. Với những hình ảnh quảng cáo bắt mắt, giá cả phải chăng, chị Tâm trao đổi bằng tin nhắn facebook và chuyển trước 2 triệu đồng để nhập 7 chiếc kính thời trang sau khi bên bán nhận được tiền cọc. Thế nhưng, chờ mãi hàng không thấy đâu mà địa chỉ facebook ấy cũng “bốc hơi”, người mua không có cơ sở gì để đòi lại tiền cọc.
Để quản lý việc bán hàng qua mạng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử (TMĐT); Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website TMĐT nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý trong bối cảnh phát triển nhanh chóng và xuất hiện nhiều hình thái bán hàng qua mạng khác nhau. Song trên thực tế, việc quản lý hoạt động kinh doanh qua mạng vẫn còn lúng túng và bất cập...
Theo quy định tại Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website TMĐT, các mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động sau sẽ phải tiến hành thủ tục đăng ký với Bộ Công thương dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT, bao gồm: website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Khoa – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, hiện nay, Hà Tĩnh có 1 sàn giao dịch TMĐT với hơn 240 doanh nghiệp “lên” sàn. Ngoài ra, một số doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trong tỉnh cũng có website quảng cáo các sản phẩm của đơn vị. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít trang mạng đăng thông tin mua bán mà không đăng ký với Bộ Công thương. Thời gian qua, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành kiểm tra một số đơn vị và đã đề nghị thực hiện theo đúng yêu cầu”.
Trong khi đó, về bản chất và phương thức tổ chức, hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội facebook cũng giống với hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT nhưng lại không phải đăng ký với Bộ Công thương theo Thông tư 47. Trên địa bàn tỉnh ta, ngoài những cá nhân có gian hàng thực tế sử dụng facebook như một kênh để quảng cáo thì rất nhiều địa chỉ facebook khác lại chỉ mua bán trên mạng mà không có cơ sở kinh doanh. Do vậy, việc giao dịch mua bán trên mạng của cá nhân hầu như không chịu sự quản lý của bất cứ cơ quan nào. Và hệ quả là hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ… cũng được tiêu thụ dễ dàng mà các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát, xử phạt.
Để hạn chế thiệt thòi cho người tiêu dùng khi tham gia TMĐT cũng như tăng cường sự quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 Nguyễn Đình Khoa cho biết: “Đơn vị chức năng sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra để nắm bắt kịp thời những vi phạm trong hoạt động kinh doanh TMĐT và xử lý đúng pháp luật. Đồng thời, thông tin đến người tiêu dùng để họ nhận biết và có quyết định lựa chọn hàng hóa đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, chúng tôi rất cần sự phối hợp trình báo thông tin của người tiêu dùng khi phát hiện những trường hợp có dấu hiệu vi phạm…”.