Thời tiết ngày càng bất thường và khó lường
Thời tiết bất thường trong tháng 7
Thống kê chưa đầy 1 tháng qua, Biển Đông đã phải hứng chịu 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Đặc biệt, chỉ trong khoảng 1 tuần của tháng 7 (từ ngày 17 - 24/7), Bắc Trung Bộ “đón” 2 cơn bão số 2 (Talas) và số 4 (Sơn Ca). Đối với người dân miền Trung nói chung và người dân Hà Tĩnh nói riêng, đây là điều bất thường hiếm thấy.
Ông Trần Đức Bá - Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho hay: “Thông thường, bão đổ bộ vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 nhưng năm naỵ sớm hơn, tần suất dày đặc hơn. Thống kê lũ từ năm 1999-2016, hầu như không xảy ra vào tháng 7 nhưng năm nay đã có đến 2 đợt lũ. Điều đó phản ánh rõ nét diễn biến phức tạp của khí hậu hiện nay”.
Theo đánh giá của Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, tháng 7/2017 là thời gian duy nhất có tổng lượng mưa tháng 7 cao nhất trong vòng 40 năm qua. Một số khu vực như: TP Hà Tĩnh và Kỳ Anh trong vòng 40 năm qua, tần suất xuất hiện lượng mưa trên 300 mm trong tháng 7 chỉ từ 3-8%; trong khi đó, chỉ mới 26 ngày trong tháng 7/2017, lượng mưa 2 nơi này đạt 491-501 mm. Tổng lượng mưa tháng 7 tính đến thời điểm ngày 27/7 nhiều nơi vượt từ 200-400% so với lượng mưa tháng 7 trung bình nhiều năm. Từ 1 - 27/7, tổng lượng mưa các khu vực trong tỉnh phổ biến từ 286- 646 mm, trong khi đó, lượng mưa tháng 7 trung bình nhiều năm chỉ từ 100-160 mm.
Bão số 2 làm gãy đổ nhiều cây xanh trên địa bàn TP Hà Tĩnh
Ứng phó thông qua các kịch bản
Trong khuôn khổ dự án “Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với BĐKH tại tỉnh Hà Tĩnh” do Vương quốc Bỉ tài trợ, Ban Điều phối dự án SRDP - IWMC Hà Tĩnh đã phối hợp với Viện Khoa học khí tượng thủy văn và BĐKH thực hiện nghiên cứu “Tư vấn kỹ thuật về dữ liệu và phân tích khí hậu về hiện tại và tương lai phục vụ công tác quản lý nguồn nước tại tỉnh Hà Tĩnh”.
Mục tiêu của tư vấn là phân tích khí hậu hiện tại và tương lai, đánh giá nguy cơ lũ lụt và cung cấp các đầu vào về khí hậu như: Nhiệt độ và lượng mưa... phục vụ xây dựng mô hình thủy văn/thủy lực trên lưu vực sông Rào Cái. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn hướng đến mục tiêu tăng cường hiểu biết của các sở, ban, ngành liên quan và Ban Điều phối dự án IWMC Hà Tĩnh về tình hình BĐKH được dự báo trong tương lai.
Theo kết quả nghiên cứu, kịch bản BĐKH được đơn vị tư vấn tính toán theo kịch bản mới nhất của Ban liên chính phủ về BĐKH và bằng phương pháp chi tiết hóa động lực, trong đó, sử dụng 4 mô hình khí hậu khu vực để tính toán kịch bản BĐKH cho các thời kỳ: Thời kỳ cơ sở (1986-2005), đầu thế kỷ (2016-2035), giữa thế kỷ (2046-2065) và cuối thế kỷ (2081-2100).
Người dân Cẩm Xuyên tham gia hoạt động truyền thông của dự án "Quản lý nguồn nước và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tỉnh Hà Tĩnh".
Nghiên cứu cũng đánh giá khả năng mô phỏng khí hậu, cung cấp kịch bản nước biển dâng tại Hà Tĩnh, phân tích các dấu hiệu BĐKH tương lai, đề xuất kịch bản xây dựng mô hình hóa thủy lực/thủy văn, xây dựng và cung cấp kết quả đầu ra dưới dạng tệp dữ liệu GIS (hệ thống thông tin địa lý), phân tích số liệu quan trắc khí tượng, thủy văn và mực nước biển, xây dựng đường cong IDF (cường độ - thời đoạn - tần suất) hiện tại và tương lai, đánh giá hiện trạng và đề xuất cải tiến mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn, phân tích dữ liệu bão trong khu vực dự án.
Ông Phan Thành Biển - Giám đốc Ban Điều phối dự án SRDP - IWMC Hà Tĩnh chia sẻ: “Nghiên cứu này đã hoàn thành, được công bố và cung cấp rộng rãi đến các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương. Đây sẽ là cơ sở khoa học để các cơ quan, đơn vị trong tỉnh ứng dụng, lồng ghép kết quả của nghiên cứu vào quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH trong bối cảnh BĐKH ngày càng diễn ra gay gắt”.