Trên đường Xuân Diệu (TP Hà Tĩnh), nhiều ki-ốt khách thuê trả lại nên chủ nhà đang đóng cửa.
Trước đây, các tuyến đường tại TP Hà Tĩnh như: Xuân Diệu, Lý Tự Trọng, Nguyễn Công Trứ, Lê Duẩn… luôn nhộn nhịp, tấp nập các hoạt động kinh doanh với đủ mọi loại hình, mặt hàng khác nhau. Mặt bằng kinh doanh ở những con phố này cũng được giới kinh doanh tìm thuê và hiếm khi bỏ trống.
Thế nhưng, trong khoảng 1 tháng qua, đi dọc các tuyến phố tập trung hoạt động kinh doanh buôn bán này, không khó để bắt gặp những ki-ốt đóng cửa im lìm và treo biển thông báo sang nhượng hoặc cho thuê.
Việc kinh doanh gặp khó khăn nên nhiều tiểu thương phải trả mặt bằng.
Theo các chủ cửa hàng, chủ cho thuê ki-ốt, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình kinh doanh ảm đạm những tháng vừa qua, doanh thu thấp, thua lỗ, nhiều tiểu thương không trụ nổi đã nghỉ bán, trả ki-ốt, chuyển sang kinh doanh online hoặc chuyển về những địa điểm không sầm uất với giá thuê thấp hơn.
Người kinh doanh trả lại cửa hàng vì buôn bán bấp bênh khiến chủ nhà có mặt bằng cũng đang khó khăn trong tìm khách thuê. Trước đây, chỉ cần biết có mặt bằng là các hộ kinh doanh đã đến hỏi thuê, thì nay, dù đã treo biển tại ki-ốt, đăng thông tin trên mạng xã hội nhưng cũng không có người đến hỏi.
Nhiều mặt bằng đang “chờ” chủ nhân mới trên tuyến đường Lý Tự Trọng.
Chị Mai – người cho thuê ốt tại đường Xuân Diệu (TP Hà Tĩnh) cho biết, sau khi cửa hàng thời trang thuê trước đây trả mặt bằng, chị đã treo biển cho thuê ốt hơn 1 tuần nay với giá 5 triệu đồng/tháng. Hằng ngày cũng có người liên hệ và đến xem nhưng vẫn chưa có ai thuê.
“Chủ shop thời trang đã trả mặt bằng do không xoay đủ vốn để trang trải các chi phí kinh doanh. Tuyến đường Xuân Diệu trước nay ít khi “trống” khách nhưng từ đầu năm lại nay, có nhiều mặt bằng cho thuê” – chị Mai chia sẻ thêm.
Nhiều mặt bằng cho thuê trên đường Lê Duẩn.
Tương tự, anh Hải - chủ ki-ốt ở đường Lý Tự Trọng (TP Hà Tĩnh) đã treo biển cho thuê hơn 2 tháng nay nhưng vẫn chưa tìm được chủ nhân mới cho dù giá thuê chỉ vài triệu đồng.
“Chủ cửa hàng quần áo trước đã thuê hơn một năm nhưng do đợt vừa rồi, buôn bán không tốt, không gánh nổi các chi phí nên họ trả mặt bằng. Ốt đóng cửa, treo biển hơn 2 tháng rồi mà vẫn chưa có người thuê mới”, anh Hải chia sẻ.
Khách vắng, nhiều cửa hàng vẫn đóng cửa kinh doanh.
Không chỉ những ki-ốt được treo biển cho thuê hoặc chuyển nhượng, nhiều cửa hàng kinh doanh trên các tuyến phố này vẫn đóng cửa từ sau giãn cách xã hội tới nay hoặc ngày đóng ngày mở do việc kinh doanh ế ẩm.
Một chủ cửa hàng thời trang trên đường Xuân Diệu cho hay: “Kinh doanh buôn bán, chi phí thuê nhân viên, thuê mặt bằng… nên trước đây, nghỉ một ngày là tiếc một ngày. Thế nhưng, thời gian qua, vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên lượng khách sụt giảm rất nhiều.
Đợt đóng cửa giãn cách xã hội 3 tuần vừa rồi, nhân viên nghỉ nên giờ được mở lại, tôi cũng chủ yếu bán online, shop ngày mở ngày không vì ngày được một vài khách, không đủ bù chi phí tiền điện, nhất là vào mùa hè này”.