Khó sớm thoát khỏi khủng hoảng
Dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu, một nguồn năng lượng chủ chốt của các nước trong khu vực suốt nhiều thập niên qua, đã giảm đáng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra và phương Tây liên tiếp áp đặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Moscow.
Châu Âu đang đối mặt cuộc khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh mùa đông tới gần và nhu cầu sử dụng tăng vọt. (Nguồn: List 23)
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết thị trường dầu toàn cầu sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản thiếu nguồn cung 2,4 triệu thùng/ngày khi lệnh cấm vận dầu Nga của EU bắt đầu từ cuối năm nay. IEA cho biết 1 triệu thùng sản phẩm/ngày và 1,4 triệu thùng dầu thô/ngày sẽ phải tìm nơi tiêu thụ mới, có thể khiến xuất khẩu và sản xuất dầu của Nga giảm sâu hơn.
Hồi đầu tháng 9, Nga đã chính thức khóa van vô thời hạn Nord Stream 1 - đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ nước này tới châu Âu. Giá khí đốt lập tức tăng vọt vì nguồn cung bị siết chặt khiến nhiều nhà sản xuất ở châu Âu bắt buộc phải cắt giảm hoạt động vì thu không đủ bù chi. Không chỉ các nhà máy sản xuất ở châu Âu đang phải gồng mình vì sự gia tăng chi phí như một hệ quả của chiến tranh mà các hộ gia đình tại khu vực này cũng đang đối mặt với hóa đơn điện và khí đốt tăng chóng mặt.
Mức độ nghiêm trọng của đợt suy thoái này cũng sẽ tùy thuộc vào việc mùa đông năm nay ở châu Âu sẽ lạnh tới mức nào, các nguồn cung cấp khí đốt ngoài Nga sẽ đáp ứng nhu cầu của châu Âu được đến đâu và các chính quyền trong khu vực có thể hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp vượt qua khó khăn ra sao.
Hầu hết chuyên gia kinh tế đều dự báo các nền kinh tế đầu tàu của châu Âu sẽ tăng trưởng âm trong những tháng sắp tới. “Đám mây ảm đạm nhất lúc này rõ ràng đang phủ lên châu Âu” - chuyên gia kinh tế Marcelo Carvalho thuộc Ngân hàng đầu tư BNP Paribas (Pháp) nhận định.
Công nhân tại một nhà máy sản xuất thép ở thủ đô Berlin (Đức) ngày 13-9. Ảnh: EPA |
Vẫn có một số điểm sáng nhất định
Báo cáo cho rằng giá xăng giảm trên thị trường toàn cầu đã giúp lạm phát ở khu vực dịu đi phần nào. Đơn cử, lạm phát ở Anh trong tháng 8 là 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm từ mức 10,1% trong tháng 7.
Trong khi đó, dữ liệu khác do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố mới đây còn cho thấy kinh tế châu Âu đã tăng tốc trong quý II năm nay và tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục - góp phần đưa khu vực này trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn trên thế giới trong sáu tháng đầu năm nay. Để so sánh, kinh tế Trung Quốc trong cùng giai đoạn giảm tốc, còn kinh tế Mỹ và Ấn Độ đều tăng trưởng âm. Dù vậy, kinh tế châu Âu bị cảnh báo có nguy cơ sẽ đuối sức trong thời gian còn lại của năm. Có một tin tốt là sự phục hồi của ngành du lịch châu Âu nhờ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 được gỡ bỏ có thể giúp châu Âu tránh được khả năng tăng trưởng âm trong quý III.
Sang quý IV và quý I năm sau, kinh tế châu Âu được dự báo sẽ suy giảm, một phần do ảnh hưởng của giá năng lượng tăng cao trong những tháng mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp mà nguồn cung khí đốt vẫn chưa được cải thiện. Ngoài ra còn cần phải theo dõi giá năng lượng tăng cao đến mức nào để xem liệu châu lục này có tránh được kịch bản phải dè sẻn phần dự trữ năng lượng hiện có hay chăng, nếu không sẽ xuất hiện một làn sóng đóng cửa nhà máy.
Hãng tin Reuters dẫn lời một số chuyên gia thuộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo nếu Nga cắt hoàn toàn cung cấp khí đốt đối với châu Âu, GDP của khu vực sẽ giảm mạnh trong quý IV năm nay và quý I năm sau, khiến nền kinh tế khu vực suy giảm 0,9% trong cả năm 2023.
Hiện có tin tốt là những ngày gần đây, giá khí đốt tại thị trường châu Âu đã giảm xuống sau khi EU bắt đầu vạch ra các chi tiết của kế hoạch chống chọi với khủng hoảng năng lượng trong mùa đông này, bao gồm áp trần giá khí đốt và giá điện. Giá khí đốt ở châu Âu đạt đỉnh ở mức 320 USD/MWh hồi cuối tháng 8 nhưng đã giảm dưới 200 USD trong tuần trước.
“Nếu giá khí đốt tiếp tục giảm hơn nữa, suy thoái ở châu Âu sẽ nông hơn nhiều và đỉnh của lạm phát cũng sẽ thấp hơn mức chúng tôi dự báo hiện nay” - chuyên gia kinh tế Holger Schmieding thuộc Ngân hàng Berenberg Bank (Đức) nhận định.
Mỹ khó giúp được châu Âu thoát khỏi khủng hoảng năng lượng Trước cuộc khủng hoảng năng lượng đang lớn dần lên ở châu Âu, đồng minh lớn của các nước ở đây là Mỹ lại không ở trong điều kiện để có thể hỗ trợ bằng cách tăng nguồn cung. Trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times, chuyên gia Wil VanLoh thuộc Công ty khai thác dầu đá phiến Quantum Energy Partners (Mỹ) cho biết sản lượng khai thác của doanh nghiệp dầu ở Mỹ đã ở mức tối đa, không thể tăng thêm được nữa. “Chúng tôi không thể bổ sung giàn khoan và tôi không thấy bất cứ bên nào khác xây thêm giàn khoan” - ông Scott Sheffield, Giám đốc điều hành của Công ty khai thác dầu Pioneer Natural Resources (Mỹ), cho biết. Theo thống kê, tổng số giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ đã không gia tăng trong nhiều tuần qua trong khi năng suất của các giàn khoan đang hoạt động có xu hướng giảm dần. Hơn nữa, bất chấp những lời kêu gọi gần đây của chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng ngành công nghiệp đá phiến cần tăng sản lượng để hạ giá bán tại thị trường nội địa, các chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư có xu hướng không mặn mà với điều đó. Chuyên gia Ben Dell thuộc Công ty khai thác dầu đá phiến Kimmeridge Energy (Mỹ) nhận định: “Các nhà đầu tư thường không muốn các công ty đá phiến theo đuổi mô hình tăng trưởng. Nguồn vốn sẵn có là rất hạn chế. Nói cách khác, không có cách nào để chắc chắn rằng giá sẽ ở mức cao đủ lâu để bù đắp cho chi phí khoan giếng mới”. |