12 tháng trước, triển vọng kinh tế toàn cầu rất đáng khích lệ. Năm 2017 chứng kiến mức tăng trưởng GDP toàn cầu tốt nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, và năm 2018 thậm chí còn tuyệt vời hơn.
“Sự biến động theo chu kỳ bắt đầu từ giữa 2016 tiếp tục ghi nhận những kết quả tích cực”, chuyên gia kinh tế Maurice Obstfeld của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận xét.
Thị trường chứng khoán đã bùng nổ. Niềm tin ở doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng đã lên cao. Và có vẻ như thế giới cuối cùng cũng đã rũ bỏ ký ức buồn đau về cuộc khủng hoảng tài chính cách đây một thập kỷ.
Viễn cảnh đang trở nên ít tươi sáng hơn
Hiện vẫn chưa có nhiều thay đổi trên bề nổi. IMF dự kiến tăng trưởng toàn cầu năm 2019 đạt 3,7%, tương đương với mức mà họ đã đưa ra cho 2 năm trước đó. Tuy nhiên, con số này thấp hơn so với 3,9% mà quỹ đã tính toán cách đây 8 tháng. Thậm chí, nhiều nhà kinh tế còn dự đoán mức tăng trưởng chỉ 3,6%.
Tăng trưởng Mỹ được dự báo sẽ chậm lại rõ rệt từ 2,9% năm 2018 xuống 2,5% vào năm 2019 do các biện pháp kích thích từ việc cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mất đi. Các dự báo tăng trưởng của Mỹ, Đức, Pháp cũng chung xu hướng đi xuống. Các quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico và Nam Phi cũng sẽ giảm tăng trưởng đáng kể.
Theo dữ liệu GDP gần nhất của Đức, Ý và Nhật Bản, cả 3 nền kinh tế này bất ngờ thu nhỏ lại vào quý III/2018. Sự co lại ở Đức, xảy ra lần đầu tiên kể từ năm 2015, chủ yếu đến từ việc đóng cửa nhiều nhà máy sản xuất ôtô.
Bên trong một nhà máy xe hơi ở Đức. Ảnh: The Financial Express. |
Tăng trưởng trong quý III/2018 ở Trung Quốc chỉ ở mức 6,5%, thấp nhất trong 10 năm. Những chỉ số khảo sát hoạt động được chia theo ngành cũng đã giảm ở hầu hết quốc gia kể từ mùa hè.
Thị trường chứng khoán suy yếu nghiêm trọng trong vài tháng trở lại đây. Chỉ số chứng khoán thế giới của MSCI đã giảm 15% từ tháng 9 và kết thúc năm thì giảm hơn 1/10 so với hồi đầu năm. Các sàn giao dịch chứng khoán ở những thị trường mới nổi cũng đã giảm hơn 1/5 so với mức cao nhất đạt được.
IMF cảnh báo rằng có thể việc mở rộng nền kinh tế đã đạt đến giới hạn của nó.
“Chúng ta đã có một giai đoạn tăng trưởng vững chắc, nhưng bây giờ chúng ta phải đối mặt với thời kỳ mà những rủi ro đáng kể đang hiện hữu và những ‘đám mây đen’ dần xuất hiện”, giám đốc điều hành IMF, Christine Lagarde nhận định.
Điều gì đang đe dọa tăng trưởng toàn cầu?
Vậy, đâu là lí do xuất hiện các rủi ro đó? Những câu trả lời nằm ở các sự kiện như chiến tranh thương mại, Mỹ tăng lãi suất và Brexit .
Cuộc chiến của ông Donald Trump đối với Trung Quốc, cụ thể là mức thuế quan đánh vào khoảng 200 tỷ USD hàng nhập khẩu, đã gây tổn hại đầu tư, suy yếu sự gắn kết giữa các công ty.
Bất chấp những lời hoa mỹ từ cả Washington lẫn Bắc Kinh, cuộc thỏa thuận giữa hai quốc gia tại G20 ở Buenos Aires vào tháng 12 đơn thuần chỉ như lệnh ngừng bắn tạm thời, chứ không phải đình chiến.
Cuộc gặp Mỹ - Trung tại Buenos Aires chưa đem đến sự lạc quan cho nhiều người. Ảnh: Reuters. |
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) quan ngại rằng những thù địch về thuế quan có thể khiến thương mại thế giới giảm 2% giá trị vào năm 2021.
Chính sách tiền tệ là một nỗi lo khác. Việc ông Trump cắt giảm thuế nội địa rõ ràng đã thúc đẩy tăng trưởng GDP ngắn hạn trong nền kinh tế Mỹ, nhưng đồng thời cũng khiến ngân hàng trung ương tại đây tăng lãi suất để chống lại những gì được coi là mối đe dọa của lạm phát không ổn định. Tỷ lệ quỹ liên bang hiện ở mức 2,5% và dự kiến sẽ có thêm 2 lần tăng nữa cho năm 2019.
Trong quá khứ, sự “đảo ngược” về đường cong lãi suất đã xảy ra tại Mỹ, khi mức lãi suất cho 10 năm lại thấp hơn mức lãi suất cho 2 năm. Chính điều đó đã dẫn đến một cuộc suy thoái tại quốc gia này. Dường như sự “đảo ngược” đó đang dần quay lại với người Mỹ.
“Việc Fed từ từ tăng lãi suất đủ để nâng cao giá trị của đồng USD, đồng thời làm suy yếu niềm tin từ các thị trường mới nổi và thắt chặt các điều kiện tiền tệ toàn cầu”, nhà báo Gavyn Davies đánh giá.
Ông nói thêm rằng quá trình này có thể hoặc không kết thúc trong suy thoái, nhưng nó chắc chắn đã gây ra “mệt mỏi khi hồi phục” ở đa số các nền kinh tế trên thế giới.
Thắt chặt hệ thống tiền tệ Mỹ có xu hướng tấn công vào các thị trường mới nổi.
“Dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi bị chặn lại đột ngột trong những tháng gần đây, gây nên những hậu quả nặng nề cho những nước bị thâm hụt thương mại”, Adam Slater từ công ty phân tích Oxford Economics nhận xét.
Việc Mỹ tăng lãi suất tác động mạnh đến nhiều nền kinh tế. Ảnh: Getty. |
Bóng ma siết chặt tiền tệ và tác động của nó cũng ám ảnh châu Âu. Nền kinh tế khu vực đồng euro chỉ mở rộng 0,2% trong quý III/2018, tốc độ hàng quý chậm nhất trong vòng 4 năm. IMF dự kiến tăng trưởng khu vực này chỉ đạt 1,9% trong năm nay.
Nhưng đó có thể là đánh giá quá lạc quan. Ở Italy, tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại trong khoảng 1% - 1,2% trong năm tới, bất chấp việc nước này tránh được các lệnh trừng phạt từ Ủy ban châu Âu lên kế hoạch ngân sách của mình.
Brexit không chỉ là vấn đề của riêng Anh
IMF đã vẽ ra mức tăng trưởng 1,5% cho nền kinh tế Anh trong năm tiếp theo, không khác là bao so với mức 1,4% năm 2017. Tuy nhiên, con số này có được dựa trên giả định về quá trình Brexit diễn ra suôn sẻ vào tháng 3 tới.
Trong tình huống ngược lại, nếu Anh và EU không đạt được thỏa thuận với nhau, ngân hàng Anh ước tính nền kinh tế quốc gia này sẽ bị thu hẹp khoảng 3%. Và trong viễn cảnh xấu nhất, con số đó có thể lên đến 8% và dẫn đến một sự sụp đổ kinh tế còn lớn hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Nếu EU và Anh không đồng thuận trong vấn đề Brexit, nhiều kết quả xấu sẽ xảy ra. Ảnh: Getty. |
Dù rủi ro đó rất ít khả năng xảy ra trong thực tế nhưng không vì thế mà đánh giá thấp nó. Cuộc khủng hoảng cách đây một thập niên đã để lại bài học về việc các rủi ro có thể xảy ra không như mong đợi. Một cú sốc chính trị có thể do sự gia tăng dân tị nạn đến từ Trung Đông và Bắc Phi, hoặc cũng có thể do cuộc tấn công mạng tàn khốc nhắm vào doanh nghiệp hoặc chính phủ.
Theo như quan sát của cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, trong kỷ nguyên của chiến tranh thương mại và chủ nghĩa đa phương, Anh quốc có thể sẽ không có được sự hợp tác toàn cầu cần thiết để đưa quốc gia này thoát khỏi một cuộc khủng hoảng tương tự như năm 2008.
Đối với thế giới, và đặc biệt là Anh, 2019 trông như một năm đầy hiểm nguy.