Những tháng đầu năm 2021, cảng Vũng Áng nhộn nhịp, sôi động bởi hàng chục chuyến tàu trọng tải lớn vào ra bốc xếp gỗ dăm, quặng sắt... Những cần cẩu chuyên dụng, băng tải hàng rời và hơn 300 lao động làm việc liên tục 3 ca để đảm bảo tiến độ xếp dỡ hàng, giải phóng tàu nhanh nhất. Đặc biệt, vào đầu tháng 4, chuyến hàng container do tàu Tân Cảng Foundation của Công ty CP Vận tải biển Tân Cảng (thành viên Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn) đã cập cảng Vũng Áng trong sự phấn khởi và nhiều dự cảm tốt lành về sự phát triển.
Tàu Tân Cảng Foundation của CP Vận tải biển Tân Cảng mang theo 36 container cập cảng Lào-Việt (Cảng Vũng Áng) ngày 10/4/2020.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, việc thông tuyến container qua cảng Vũng Áng là nỗ lực của tỉnh và các đơn vị, doanh nghiệp (DN) để cụ thể hóa Biên bản ghi nhớ giữa Tân Cảng Sài Gòn và UBND tỉnh Hà Tĩnh đầu năm 2021. Khởi đầu thuận lợi này cũng là cầu nối quan trọng để Hà Tĩnh thu hút đầu tư; tạo môi trường để các DN phát triển, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh.
Lãnh đạo tỉnh cắt băng khánh thành, đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của Nhà máy Sản xuất, chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu An Việt Phát tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Trong điều kiện kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng, Hà Tĩnh tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư tiềm lực. Mới đây, Công ty CP Vinhomes (Tập đoàn Vingroup) có văn bản đề xuất UBND tỉnh cho khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch dự án nhà máy sản xuất ô tô và linh phụ kiện kết hợp cảng biển với quy mô 2.000 ha tại Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng. Nếu thành công, dự án này đóng góp quan trọng vào “cực tăng trưởng” kinh tế, giải quyết việc làm tại KKT Vũng Áng nói riêng, Hà Tĩnh nói chung.
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Việt Hà cho biết, với những nỗ lực mạnh mẽ trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, những tháng đầu năm 2021, Hà Tĩnh đã thành lập mới 262 DN (tăng 18,55% so cùng kỳ); thu hút được 18 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 1.297,2 tỷ đồng (gấp 2,23 lần so cùng kỳ). Cùng đó là khởi công 3 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp (tại Can Lộc, Đức Thọ và TX Hồng Lĩnh); khánh thành, đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của Nhà máy Sản xuất, chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu An Việt Phát tại KKT Vũng Áng. Đây sẽ là nguồn lực để phát triển KT-XH và thúc đẩy giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho lao động địa phương.
Nếu như cùng kỳ năm trước, hoạt động của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) bị “chững” lại thì quý I năm nay đã có sự tăng trưởng đáng kể. Thống kê cho thấy, tổng doanh thu quý I/2021 của FHS đạt 1.094 triệu USD (tăng 56% so cùng kỳ năm 2020). Các sản phẩm chủ lực của công ty như: phôi tấm, phôi tấm lớn, phôi tấm nhỏ đạt 1.627 nghìn tấn, tăng 17% so cùng kỳ 2020.
Sự phục hồi của Formosa đã kéo theo chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo trên địa bàn tăng 17,53% so cùng kỳ, cao gấp gần 2 lần mức bình quân cả nước (cả nước 9,45%). Đặc biệt, trong những tháng đầu năm, nhiều nhà máy, xí nghiệp tại KKT Vũng Áng và các cụm công nghiệp: Hồng Lĩnh, Đức Thọ, Cẩm Xuyên đã phục hồi sản xuất, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.
Ông Vũ Duy Anh - cán bộ Phòng Quản lý nhân sự Nhà máy May mặc xuất khẩu Appareltech (Cụm công nghiệp Đức Thọ) cho biết, song song với xây dựng nhà máy, lắp đặt máy móc, thiết bị, công ty đã tuyển dụng nhân sự. Đến nay, đã có hơn 1.000 lao động là con em thuộc các huyện: Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc… được tuyển dụng vào làm việc. Công ty đảm bảo trả mức lương bình quân cho người lao động từ 4 - 7,5 triệu đồng/tháng. Dự kiến đến cuối năm 2021, khi hoàn thành cả 2 giai đoạn, công ty sẽ tuyển đủ 3.500 lao động.
Đầu năm 2021, hàng nghìn lao động Hà Tĩnh đã tìm kiếm việc làm mới tại các xí nghiệp may mặc, nhà máy, cụm công nghiệp trên địa bàn. Trong ảnh: Công nhân may mặc làm việc tại Nhà máy may Haivina Hồng Lĩnh tại Cụm công nghiệp Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).
Nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 trên địa bàn nên các đơn vị kinh doanh đảm bảo hoạt động ổn định. 4 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước tăng 46,15%, hoạt động dịch vụ khác ước tăng 39,53% so cùng kỳ 2020.
Theo đánh giá, những kết quả đạt được trên lĩnh vực KT-XH trong 4 tháng đầu năm là nhờ sự nỗ lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp ủy, chính quyền, sự chung tay, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân Hà Tĩnh. Trung tuần tháng 4 vừa qua, Hà Tĩnh liên tục nhận tin vui về sự cải thiện đáng kể các chỉ số PAPI, PCI năm 2020. Đây được xem như kết quả cho những giải pháp trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và cũng là những “điểm cộng” để Hà Tĩnh tiếp tục là “đất lành” của các dự án phát triển trong thời gian tới.
Đô thị loại 2 - Thành phố Hà Tĩnh. Ảnh: Huy Tùng
Bên cạnh những khởi sắc đáng mừng về lĩnh vực kinh tế, các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo; QPAN được giữ vững. Đặc biệt, công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên, kịp thời, chủ động; tiến hành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho những đối tượng ưu tiên đảm bảo kế hoạch. Việc phân bổ kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh, trú bão, lũ và nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai có khó khăn về nhà ở đạt kết quả tốt, đảm bảo tiến độ. Các hoạt động du lịch, thể thao được triển khai phù hợp trong điều kiện đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh…
Nhiều dự án tại các khu du lịch biển Hà Tĩnh khẩn trương hoàn thiện, đầu tư nâng cấp đưa vào hoạt động khai trương mùa du lịch biển 2021.
2021 là năm nền tảng trong thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Vì vậy, những kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm có ý nghĩa rất quan trọng, là bước chạy đà thuận lợi cho hành trình phát triển tiếp theo. Để tăng tốc thực hiện các kế hoạch phát triển, hoàn thành thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH năm 2021 trong điều kiện dịch Covid-19, các sở, ngành, địa phương tiếp tục bám sát “mục tiêu kép”, thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ tại Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 12/3/2021 và Chương trình số 04/CTr-UBND ngày 6/1/2021 của UBND tỉnh, trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: tăng cường công tác quản lý quy hoạch; tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 và các quy hoạch theo Luật Quy hoạch; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, tiếp tục cơ cấu lại nội ngành kinh tế; xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới; huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, thu hút và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; chủ động, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số…
Thiết kế: Thành Nam