Bưởi Phúc Trạch lên kệ Vinmart
Toàn huyện Hương Khê hiện có 1.800 ha bưởi Phúc Trạch. Trong đó, khoảng 1.200 ha cho thu hoạch, sản lượng năm 2016 ước đạt 19.000 tấn, doanh thu hàng năm lên đến hàng trăm tỉ đồng. Các xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên Hương Xuân… được xem là “thủ phủ” của loại đặc sản này và đem đến nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây.
Tất cả giống ghép đều được lấy mắt ghép từ các cây đầu dòng đảm bảo chất lượng.
Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn, phấn khởi: Để có thị trường đầu ra ổn định cho loại quả đặc sản này, Hương Khê đã cùng với Doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong đóng trên địa bàn quyết tâm đàm phán với Tập đoàn Vingroup, đơn vị có chuỗi hệ thống bán lẻ Vinmart uy tín trên thị trường Việt Nam hiện nay. Sau quá trình thương thảo, tháng 9/2016, bưởi Phúc Trạch đã chính thức xuất hiện trong chuỗi siêu thị Vinmart. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong việc tìm thị trường tiêu thụ cho bưởi Phúc Trạch. Bởi lẽ, ngoài việc cung ứng cho hệ thống Vinmart, khi siêu thị khó tính này chấp nhận, cũng đồng nghĩa với việc bưởi Phúc Trạch đạt tiêu chuẩn, có thể sẽ vào được các siêu thị khác trong hệ thống bán lẻ cả nước; mở ra cơ hội rộng lớn cho bưởi Phúc Trạch trong nay mai.
Trước mắt, huyện tiếp tục phối hợp với Tập đoàn Vingroup thông qua chuỗi siêu thị Vinmart để mở rộng thị trường trên toàn quốc và hướng tới xuất khẩu. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo nhân dân phối hợp, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ sản phẩm, không để tình trạng khi bưởi được mùa bị ép giá, hoặc người dân bán cho tư thương, từ đó, phá vỡ hợp đồng liên kết. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích, động viên các doanh nghiệp tham gia tìm kiếm thị trường mới, nhằm ổn định đầu ra cho quả bưởi Phúc Trạch.
Ông Hà Tiến Dũng - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong (xã Phúc Trạch), cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã cung cấp vào 6 siêu thị Vinmart tại Hà Nội với sản lượng trung bình mỗi ngày khoảng 1 tấn. Bưởi Phúc Trạch là loại bưởi được khách hàng tiêu thụ mạnh nhất tại Vinmart hiện nay. Đây là bước khởi đầu khá suôn sẻ và hứa hẹn nhiều hy vọng về thị trường đầu ra cho bưởi Phúc Trạch trong tương lai. Hiện có nhiều siêu thị đang đặt hàng nhưng chúng tôi chưa cấp được. Sang năm tới và những năm tiếp theo, như hợp đồng giữa chúng tôi và Vinmart đã ký kết, chúng tôi có thể cung cấp tại 16 siêu thị Vinmart và khoảng 400 cơ sở Vinmart+ của Vinmart. “Với thị trường rộng lớn này, nếu chúng ta có đủ sản phẩm chất lượng, hy vọng sẽ tiêu thụ hết, bởi khi đã vào được hệ thống Vinmart thì việc vào được các siêu thị khác là chuyện khá đơn giản” – ông Dũng tự tin.
Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê Lê Quang Vinh, cho biết: Do nhiều lý do khác nhau nên trước đây, một số nơi, người dân trồng chưa đúng quy trình dẫn đến chất lượng bưởi chưa được đồng nhất, hình thái quả chưa đẹp nên đã phần nào ảnh hưởng đến thương hiệu cây đặc sản này. Vì vậy, Hương Khê xác định, nâng cao chất lượng bưởi Phúc Trạch là việc ưu tiên hàng đầu và đã tích cực triển khai thực hiện bằng các giải pháp cụ thể, đồng bộ. Trong đó, giống là một trong các khâu quan trọng, được huyện tập trung quan tâm số 1.
Sau một thời gian ngắn có mặt ở hệ thống Vinmart tại Hà Nội, bưởi Phúc Trạch là loại bưởi được tiêu thụ mạnh nhất tại đây
Hiện nay, trên địa bàn có một trại giống bưởi Phúc Trạch và 3 doanh nghiệp được cấp phép đủ điều kiện sản xuất giống, có khả năng sản xuất trên 1,7 vạn cây giống mỗi năm, đủ cung ứng cho nhu cầu trồng hàng năm trên địa bàn. Tất cả giống ghép đều được lấy mắt ghép từ các cây đầu dòng trên địa bàn; các cây chiết cũng được kiểm tra, xác định lô giống đạt yêu cầu chất lượng mới được cung ứng cho nhân dân. Huyện cũng có chính sách hỗ trợ 40.000 đồng cho mỗi cây giống để khuyến khích bà con chọn mua giống chuẩn, không mua giống rẻ tiền, không rõ nguồn gốc xuất xứ làm ảnh hưởng đến thương hiệu bưởi Phúc Trạch.
Bên cạnh giống, huyện luôn quan tâm đến kỹ thuật trồng, chăm sóc ngay từ đầu vào cũng như trong suốt quá trình sản xuất. Huyện đã tập huấn hàng trăm cuộc đến tận từng hộ dân từ khâu đào hố, bón phân, khoảng cách hàng - cây, thời vụ trồng, kỹ thuật chăm sóc. Ngoài ra, người dân còn được hướng dẫn kỹ thuật thụ phấn bổ sung, trồng xen các loại bưởi khác để tăng tỷ lệ đậu quả cho bưởi Phúc Trạch; khi thu hoạch xong, cắt tỉa cành già, bón phân thúc để cho quả mùa sau.
Hiện nay, Dự án Bảo tồn, nhân giống và phát triển bưởi Phúc Trạch giai đoạn 2016-2020, đã được Bộ KH&ĐT thẩm định, chuẩn bị triển khai thực hiện. Dự án sẽ mở thêm các nhiệm vụ phát triển bảo tồn nguồn gen, chăm sóc, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất để nâng cao chất lượng, số lượng, hình thể quả bưởi. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ thương hiệu, không vì kinh tế mà đưa các loại bưởi ngoại huyện vào, làm ảnh hưởng thương hiệu bưởi Phúc Trạch.
Mặc dù Hương Khê đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, nhưng để có nguồn nguyên liệu bưởi Phúc Trạch đạt tiêu chuẩn, chất lượng tốt, đồng đều, cung cấp cho thị trường cao cấp là vấn đề không phải ngày một ngày hai. Hy vọng rằng, từ những nỗ lực của Hương Khê, trong tương lai gần, chúng ta sẽ thực sự có một vùng đặc sản bưởi Phúc Trạch chất lượng tốt để cung cấp cho thị trường cả nước, làm giàu cho người dân.
Thành công lớn nhất đối với bưởi Phúc Trạch là đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý bưởi Phúc Trạch (chứng nhận thương hiệu bưởi Phúc Trạch - PV) vào ngày 9/11/2010. Theo đó, vùng chỉ dẫn địa lý bưởi Phúc Trạch có diện tích khoảng 3.000 ha, trên địa bàn 20 xã (trừ xã Hương Lâm và thị trấn Hương Khê). Ngay sau đó, UBND huyện đã ban hành các quyết định để quản lý, sử dụng Chỉ dẫn địa lý. Huyện đã cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho hộ dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác; kèm theo đó là cấp logo bưởi Phúc Trạch (tem chứng nhận thương hiệu) cho các doanh nghiệp để dán lên quả bưởi trước khi bán ra thị trường. |