“Hôm nay là một ngày lịch sử. Đây là thời khắc lịch sử”, lãnh đạo Kosovo Vjosa Osmani phát biểu với báo giới ngày 14/12, sau khi cùng lãnh đạo hành pháp Albin Kurti và lãnh đạo lập pháp Glauk Konjufca ký tài liệu để nộp cho Cộng hòa Czech, quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU).
Theo ông Kurti, động thái này “nhằm mở ra một chương mới cho chính quyền và xã hội Kosovo”.
Lãnh đạo Kosovo Vjosa Osmani tại lễ ký đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu ở Pristina ngày 14/12. Ảnh: AFP
Kosovo, với diện tích khoảng 10.800 km2, là vùng lãnh thổ ly khai nằm ở phía tây nam Serbia. Kosovo tuyên bố độc lập năm 2008, song Serbia không công nhận và vẫn tuyên bố chủ quyền với khu vực này. Kosovo có 1,8 triệu dân, chủ yếu là người gốc Albania.
Phần lớn các nước phương Tây công nhận độc lập của Kosovo, song vùng ly khai chưa được trao ghế tại Liên Hợp Quốc, do Nga và Trung Quốc phản đối. 5 thành viên trong EU, gồm Hy Lạp, Tây Ban Nha, Romania, Slovakia và Cyprus, cũng chưa công nhận Kosovo là quốc gia độc lập.
Trước khi được cấp tư cách ứng viên EU, Kosovo cần bình thường hóa quan hệ với Serbia. EU đang làm trung gian cho quá trình này, với hy vọng Pristina và Belgrade có thể đạt thỏa thuận trong vòng một năm.
Serbia đã nộp đơn xin gia nhập EU từ năm 2009 và được cấp tư cách ứng viên năm 2012. 4 quốc gia còn lại ở Tây Balkan gồm Albania, Bosnia và Herzegovina, Montenegro và Bắc Macedonia cũng đã nộp đơn xin vào liên minh.
Căng thẳng tại Kosovo gần đây gia tăng sau khi nhóm vũ trang không rõ danh tính ném lựu đạn gây choáng và đấu súng với cảnh sát Kosovo trên tuyến đường dẫn tới trạm kiểm soát ở ranh giới giữa khu vực này với Serbia. Trước đó, người Serb sống ở miền bắc Kosovo đã đậu xe tải, xe container chắn ngang các tuyến đường chính dẫn tới hai cửa khẩu lớn với Serbia.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong họp báo ở Moskva hôm 12/12 cáo buộc chính quyền Kosovo thực hiện “loạt hành động khiêu khích với sự đồng lõa” của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), sử dụng “bạo lực có động cơ sắc tộc” để nhắm vào những người Serb sinh sống tại Kosovo.
Nga cho rằng chính quyền Kosovo đang “đùa với lửa, kích động hội chứng chống người Serb” và căng thẳng đang leo thang tại đây đã “tiến gần đến xung đột vũ trang”.
Josep Borrell, cao ủy về đối ngoại của EU, ngày 12/12 tuyên bố EU sẽ tăng cường lực lượng cho Sứ mệnh Pháp quyền của EU tại Kosovo (EULEX) nhằm đối phó với căng thẳng gia tăng.
Vị trí 6 quốc gia, vùng lãnh thổ ở Tây Balkan xin gia nhập Liên minh châu Âu. Đồ họa: CSIS.