Cùng với các lực lượng khác, Trung đoàn 210 và Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã chiến đấu anh dũng, hy sinh oanh liệt, góp phần làm nên chiến thắng Đồng Lộc năm 1968. Họ đã cùng viết nên những trang sử hào hùng tại Ngã ba Đồng Lộc, đóng góp to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Chiến sỹ Trung đoàn 210 trên mặt trận (Ảnh tư liệu).
Trung đoàn 210 là trung đoàn pháo cao xạ được thành lập ngày 25/4/1959 để bảo vệ vùng trời Khu công nghiệp Gang Thép Thái Nguyên; Sở chỉ huy Quân khu Việt Bắc; thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và làm nhiệm vụ quốc tế trên nước bạn Lào và Campuchia.
Năm 1967, khi Mỹ tập trung lực lượng đánh phá ác liệt các tuyến giao thông phía Nam vĩ tuyến 20, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 210 được lệnh cơ động lên đường bảo vệ thành phố Vinh, sân bay Vinh, phà Bến Thủy, Ngã ba Đồng Lộc.
Ngày 8/6/1968, Trung đoàn vào Đồng Lộc với 5 đại đội pháo 57 ly (101, 102, 104, 105, 106) và 2 tiểu đoàn pháo 37 ly (Tiểu đoàn 22, đóng ở Linh Cảm và Tiểu đoàn 24, đóng tại Đồng Lộc), quân số hơn 1.000 người.
Trung đoàn phải triển khai đội hình trên một khu vực hẹp, liên tục chiến đấu 147 ngày đêm để đánh trả máy bay Mỹ, bảo vệ cầu đường và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại Ngã ba Đồng Lộc. Không quân Mỹ đã tập trung áp chế, tiêu diệt các trận địa cao xạ, không có đại đội nào không bị đánh. Có trận địa bị chúng đánh đi đánh lại nhiều lần, gây thương vong lớn cho bộ đội ta.
Cựu binh Trung đoàn 210 về thăm Ngã ba Đồng Lộc vào năm 2018 (Ảnh tư liệu).
Ngoài ra, do đặc điểm địa hình hẹp, trận địa bố trí ngay cạnh đường, cạnh ngầm nên địch đánh đường ngầm cũng là đánh vào trận địa. Bộ đội ta phải chiến đấu liên tục, căng thẳng dài ngày trong điều kiện địch đánh phá dữ dội. Dù tổn thất nhiều nhưng với khẩu hiệu “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, không một ai rời mâm pháo và đã chiến đấu vô cùng kiên cường.
Trong mưa bom bão đạn, 122 đồng chí đã hy sinh, trong đó có 5/6 đại đội trưởng đang chỉ huy chiến đấu; 259 đồng chí bị thương. Trong 5 tháng ở Đồng Lộc, Trung đoàn đã đánh 1.076 trận, bắn rơi 14 máy bay Mỹ, buộc chúng phải bay cao, hạn chế được số bom rơi trúng đường, góp phần đảm bảo giao thông ở điểm nút. Đơn vị đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1999.
Ông Nguyễn Đình Long (SN 1938, hiện sống ở Hà Nội) - cựu binh Trung đoàn 210 chia sẻ: “Trong 147 ngày đêm chiến đấu tại Đồng Lộc, nhiều đồng đội của tôi đã phải nằm lại chiến trường. Thời điểm ấy, khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Đạn thiếu trầm trọng, quân số hao hụt, gạo thiếu, thực phẩm không có nhưng chúng tôi được động viên tinh thần rất lớn từ sự chia sẻ của người dân địa phương”.
Ông Nguyễn Đình Long - cựu chiến binh Trung đoàn 210.
Dẫu rằng chiến trường khốc liệt đạn bom, có vất vả, gian khổ, hy sinh, song, những lần cùng đồng đội chiến đấu dưới mưa bom bão đạn, bảo vệ từng tấc đất, vùng trời của đất nước là khoảng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời cầm súng của cựu chiến binh Nguyễn Đình Long cũng như các chiến sĩ thuộc Trung đoàn 210. Sắp tới, nhân kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc, những cựu binh của Trung đoàn 210 đã có kế hoạch trở lại Đồng Lộc, thăm lại chiến trường xưa, thắp hương tưởng nhớ các đồng đội.
Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ bộ đội địa phương Hà Tĩnh chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc (Ảnh tư liệu).
Cùng góp phần làm nên chiến thắng ở Đồng Lộc là tinh thần chiến đấu quả cảm của Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ bộ đội địa phương Hà Tĩnh. Tiểu đoàn được thành lập ngày 14/4/1965, trên cơ sở Đại đội 27 (Đại đội Bình Hà) và một số học viên Trường sĩ quan phòng không. Cán bộ chỉ huy của Tiểu đoàn do Quân khu 4 bổ sung; hạ sĩ quan, chiến sỹ và một số cán bộ cấp phân đội là những quân nhân đã phục viên được lệnh trở lại phục vụ quân đội. Cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn chủ yếu là con em quê hương Hà Tĩnh, Nghệ An, một số ở Hà Bắc (cũ), Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng.
Cựu binh thuộc Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ bộ đội địa phương Hà Tĩnh chụp ảnh kỷ niệm khi về thăm Ngã ba Đồng Lộc vào năm 2019.
Tiểu đoàn 8 luôn có mặt ở những vị trí trọng yếu để bảo vệ mục tiêu kinh tế, chính trị, quân sự, giao thông trên địa bàn. Tiểu đoàn đã chiến đấu dũng cảm, bắn rơi 52 máy bay Mỹ, 9 chiếc rơi tại chỗ, phối hợp cùng các đơn vị bạn bắn rơi 29 chiếc khác. Đơn vị chiến đấu giỏi, càng đánh càng trưởng thành, dày dạn.
Tại chiến trường Đồng Lộc, đơn vị đã cùng Trung đoàn 210 bắn máy bay Mỹ, bảo vệ vùng trời cho lực lượng TNXP san lấp hố bom và cho những đoàn xe ra trận được an toàn. Đơn vị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 1/1973.
Ông Lê Văn Quyền (bên trái) ôn lại kỷ niệm thời chiến cùng đồng đội.
Ông Lê Văn Quyền (SN 1940) - A trưởng thông tin, Đại đội 27, Tiểu đoàn 8 nhớ lại: “Lúc tham gia chiến đấu ở Đồng Lộc, tôi chỉ mới 25 tuổi. Ra chiến trường, chúng tôi biết rằng có thể hy sinh bất cứ lúc nào nhưng đã là người Việt Nam, tôi cùng các đồng đội đều một lòng kiên quyết chiến đấu đến giây phút cuối cùng”.
Những năm tháng chiến đấu ở Đồng Lộc của ông Quyền cùng đồng đội vô cùng khốc liệt. Hồi ấy, Ngã ba Đồng Lộc được ví như “yết hầu” bởi có vị trí quan trọng trên tuyến đường từ Bắc vào Nam nên địch tập trung đánh phá. Địch dùng nhiều loại bom có sức công phá lớn như bom từ trường, bom chùm, bom nổ chậm… gây ra thương vong rất lớn cho bộ đội ta. Dù vậy, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, những người lính cụ Hồ vẫn anh dũng ra trận, hiên ngang đối diện với quân thù.
Chiến tranh nay đã lùi xa nhưng ký ức về một thời hoa lửa của những người lính tham gia chiến đấu tại chiến trường Đồng Lộc vẫn còn nguyên vẹn. Đã 55 năm trôi qua nhưng ý nghĩa của Chiến thắng Đồng Lộc vẫn còn nguyên giá trị lịch sử. Và những câu chuyện, sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh là đã làm tươi thắm thêm màu cờ của Tổ quốc, cùng làm nên chiến thắng Đồng Lộc huyền thoại, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vào mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.