Điểm đến

Ngã ba Đồng Lộc - lối về ký ức

Những ngày tháng 4 lịch sử của dân tộc, mảnh đất một thời là “chảo lửa, túi bom” Đồng Lộc (Can Lộc) lại đón muôn triệu bước chân từ khắp bốn phương trời. Có những người mới đến lần đầu, có người năm nào cũng đến, nhưng những cảm xúc bồi hồi, xúc động thì luôn mới mẻ.

Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc.

Tháng 4, trời Can Lộc trong xanh vời vợi. Từ sáng sớm, đường về Ngã ba Đồng Lộc đã nhộn nhịp những đoàn xe. Trong dòng người ấy có những cụ già, thân nhân liệt sỹ, những cựu chiến binh, thương binh và đông đảo học sinh, sinh viên, thanh niên từ mọi miền đất nước.

Ngã ba Đồng Lộc - lối về ký ức

Dòng người bất tận hành hương về Ngã ba Đồng Lộc.

Thật may mắn khi tôi gặp lại thương binh Nguyễn Thị Hòe - cựu TNXP, Tiểu đội trưởng Tiểu đội Công binh thuộc Đại đội 557, Tổng đội 55 TNXP-P18. Bà là người từng thực hiện nhiệm vụ trực chiến tại khu vực Đồng Lộc trong những tháng ngày kháng chiến chống Mỹ ác liệt.

Ngã ba Đồng Lộc - lối về ký ức

Bà Nguyễn Thị Hòe (thứ 2 bên phải) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa.

Cúi đầu dâng nén hương thơm cho những người đã ngã xuống, ngâm bài thơ sáng tác trước anh linh các đồng đội, bà Hòe chia sẻ: “Mấy năm gần đây, sức khỏe giảm sút bởi vết thương tái phát nên tôi không thể thường xuyên trở lại chiến trường xưa, thăm đồng đội cũ. Dẫu vậy, tôi vẫn thường trở về nơi này bằng ký ức, bằng những vần thơ gửi gắm nỗi niềm thương nhớ của riêng mình: Tiếng chuông Đồng Lộc ngân vang/ Lòng tôi nhớ phút sẵn sàng năm xưa/ Những ngày dãi nắng dầm mưa/ Những ngày tuổi trẻ thi đua thông đường…”.

Bà Hòe chia sẻ cảm xúc khi trở lại thăm chiến trường xưa.

Hồi ức của thương binh Nguyễn Thị Hòe và câu chuyện mà một hướng dẫn viên ở Ngã ba Đồng Lộc kể đã nhắc nhớ về sự tàn khốc trên cung đường huyết mạch năm xưa. Trong những năm tháng Mỹ bắn phá miền Bắc, vị trí chiến lược này đã trở thành nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa ý chí, tinh thần thép của các lực lượng bảo đảm giao thông trên tuyến đường huyết mạch 15 với bom đạn của kẻ thù.

Ngã ba Đồng Lộc - lối về ký ức

Hố bom, chứng tích cho sự tàn khốc trên cung đường huyết mạch năm xưa.

Theo các tư liệu lịch sử, từ cuối tháng 4/1965, quốc lộ 1A bị chia cắt hoàn toàn, hàng hóa vận tải bằng đường bộ chi viện cho chiến trường miền Nam đều phải đi qua Đồng Lộc. Nơi đây trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ. Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, không quân Mỹ tập trung mọi phương tiện chiến đấu đánh vào khu vực Đồng Lộc 1.863 lần.

Mảnh đất nhỏ bé này đã phải chịu đựng một lượng bom đạn khổng lồ với gần 50.000 quả bom các loại. Bình quân, mỗi mét vuông đất ở Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 tấn bom. Vào lúc cao điểm nhất, tại ngã ba này đã tập trung 1,6 vạn người, phần lớn là bộ đội pháo binh và thanh niên xung phong làm nhiệm vụ phá bom, mở đường.

Công việc phá bom, thông đường của các nữ TNXP. Trích: phim Ngã ba Đồng Lộc.

Khẩu hiệu “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng, nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắc” đã thắp lửa cho lời thề quyết tử của những TNXP và biết bao lực lượng làm nhiệm vụ ở Ngã ba Đồng Lộc. Chỉ có lòng yêu quê hương, đất nước nồng nàn mới có thể tạo nên sức mạnh để các lực lượng lạc quan sống, chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ trên mảnh đất này.

Ngã ba Đồng Lộc - lối về ký ức

Để rồi, nhiều người đã mãi mãi nằm xuống, làm nên huyền thoại bất tử Đồng Lộc. Câu chuyện về sự hy sinh của 10 nữ TNXP cùng anh linh của các chiến sỹ ngã xuống nơi đây đã làm nên biểu tượng về một Đồng Lộc linh thiêng, bất tử.

Ngã ba Đồng Lộc - lối về ký ức

Vượt hơn 1.400 km từ TP Cần Thơ đến với Hà Tĩnh, lần đầu tiên, chị Nguyễn Thị Út Hiền về thăm Đồng Lộc với nhiều xúc cảm. Chị chia sẻ: “Từng biết về Ngã ba Đồng Lộc qua những bộ phim, câu chuyện chiến đấu anh dũng của các lực lượng, nhất là 10 nữ anh hùng TNXP tại đây đã thôi thúc tôi đến với mảnh đất này. Hôm nay, ước mơ, tâm nguyện tự tay mình dâng lên mộ người đã khuất nén hương thơm, bông hoa trắng đã trở thành hiện thực. Ở đây, tôi càng nghe rõ hơn lòng mình, càng hiểu hơn trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước”.

Ngã ba Đồng Lộc - lối về ký ức

Chị Nguyễn Thị Út Hiền vượt hơn 1.400 km tới thăm Đồng Lộc.

Trong trưa nắng miền Trung, trong khói hương trầm mặc, từng dòng thông tin trên những tấm bia mộ như khắc vào tâm tư người đến thăm nỗi xúc động, lưu luyến. Trò chuyện cùng những du khách đến với Đồng Lộc, chúng tôi cảm nhận được nỗi xúc động, tự hào và cảm phục về tinh thần bất khuất, dũng cảm, kiên cường của mảnh đất và con người Hà Tĩnh.

Cựu chiến binh Nguyễn Đăng Thanh (quận Long Biên, TP Hà Nội) chia sẻ: “Đã từng hành quân qua vùng đất lửa để vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam, nay có dịp trở lại nơi này, tôi rất xúc động. Đồng Lộc thay đổi quá nhiều. Vùng núi rừng hoang vu xưa kia đã bật lên sức sống mới. Một phần chiến trường năm xưa giờ là nơi yên nghỉ, thờ phụng các anh hùng liệt sỹ. Và tôi cũng biết, Khu di tích Đồng Lộc đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng các tổ chức, cá nhân trong việc đầu tư, tôn tạo các hạng mục”.

Ngã ba Đồng Lộc - lối về ký ức

Khu mộ 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc được đầu tư, nâng cấp ngày một khang trang.

54 năm trôi qua, những trọng điểm bắn phá ác liệt ở Ngã ba Đồng Lộc và cung đường 15 huyền thoại giờ đây mang sứ mệnh mở lối về ký ức cho những cựu binh, TNXP, cho người dân mọi miền Tổ quốc, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay tiếp bước. Em Nguyễn Thị Lan - ĐVTN xã Nghi Hưng (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) cho biết: “Đã nhiều lần đến với mảnh đất này, nhưng mỗi một lần trở lại, tôi vẫn có những cảm xúc khác nhau. Mỗi lần đến đây, tôi lại may mắn gặp những cựu binh, được nghe thêm thật nhiều câu chuyện chiến đấu năm xưa để thấm nhận nhiều hơn về sự hy sinh của thế hệ cha anh đối với hòa bình hôm nay”.

Ngã ba Đồng Lộc - lối về ký ức

Thế hệ trẻ được người thân dẫn đến Ngã ba Đồng Lộc để tìm hiểu về lịch sử dân tộc.

Giống như em Nguyễn Thị Lan, chính tôi cũng mang trong mình những suy nghĩ, cảm xúc khác nhau mỗi lần trở lại Đồng Lộc, bởi ở đó, không chỉ có những câu chuyện quá khứ mà còn có những câu chuyện mới về tình đồng đội. Những câu chuyện ấy bồi đắp thêm cho tôi lòng tự hào, tình yêu với quê hương mình.

Ngã ba Đồng Lộc - lối về ký ức

Chiều buông, những đoàn người lặng lẽ, bịn rịn ra về. Trong tiếng chuông chiều vang vọng, Đồng Lộc thật tĩnh lặng, bình yên và cũng thật gần gũi, thân thương. Và tôi biết, Đồng Lộc linh thiêng, bất tử đã trở thành ký ức của bao người…

Ngã ba Đồng Lộc - lối về ký ức

Toàn cảnh Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: Đình Nhất.

trình bày: công ngọc

Chủ đề CHIẾN THẮNG 30/4 VÀ QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5

Đọc thêm

 Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Khi màn đêm buông xuống, thủy triều bắt đầu rút sâu, hàng trăm người dân đã đổ về bãi biển Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để nhặt "lộc biển" dạt kín bờ.
"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

Ẩn mình giữa những dãy núi, đồi chè Nam Sơn như một "viên ngọc xanh" lấp lánh giữa khung cảnh thiên nhiên thanh bình của miền quê nông thôn mới Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng các cấp, người dân thôn giáo toàn tòng (thôn 7, xã Quang Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã cùng nhau xây dựng một miền quê thanh bình, đáng sống.
Những người đam mê khởi nghiệp du lịch ở Hà Tĩnh

Những người đam mê khởi nghiệp du lịch ở Hà Tĩnh

Đón nhận “luồng gió mới” từ những chủ trương chính sách của các cấp, ngành trong phát triển du lịch, gần đây, nhiều cá nhân ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình, sản phẩm hấp dẫn, góp phần thu hút du khách.
Chuyên gia sẵn sàng giúp Hà Tĩnh xây dựng khu bảo tồn chim hoang dã

Chuyên gia sẵn sàng giúp Hà Tĩnh xây dựng khu bảo tồn chim hoang dã

“Tôi có thể hiểu được tiếng các loài chim và đã hỗ trợ xây dựng được hơn 20 mô hình bảo tồn chim trời với hàng chục loài, tạo nên những mô hình du lịch sinh thái nổi tiếng thu hút du khách. Tôi mong muốn giúp Hà Tĩnh xây dựng mô hình này”, ông Lê Danh Cương chia sẻ.