Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng: Yêu cầu Sở Công thương tiếp thu các góp ý để xây dựng cụ thể các mục tiêu của đề án, định hướng rõ hơn về công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ công nghiệp địa phương…
Theo dự thảo đề án, công nghiệp Hà Tĩnh thời gian qua có bước phát triển khá, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân giai đoạn 2010 - 2016 đạt 19,56%/năm; cơ cấu nội ngành phát triển đúng hướng, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng công nghiệp chế biến; tạo động lực thúc đẩy thương mại, dịch vụ, văn hóa xã hội phát triển.
Nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp được quan tâm với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 38,25%, góp phần thu hút được 280 dự án công nghiệp với số vốn đăng ký gần 300 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng công nghiệp trong GRDP của tỉnh, kim ngạch xuất nhập khẩu và thu ngân sách tăng cao, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch đáng kể.
Ông Nguyễn Duy Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc: Cần xây dựng định hướng phát triển trọng điểm từng nhóm ngành cho từng khu kinh tế cụ thể.
Tuy vậy, sự tăng trưởng thiếu ổn định, chưa bền vững, năm 2016, tốc độ tăng trưởng âm (gần -18%); chất lượng tăng trưởng thấp, tăng trưởng chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, nguyên liệu đầu vào và số lượng lao động, hàm lượng khoa học công nghệ đóng góp vào giá trị tăng trưởng không cao. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất hầu hết lạc hậu, thiết bị máy móc cũ kỹ, sản phẩm đơn điệu, chất lượng thấp, thương hiệu sản phẩm hàng hóa chưa có tính bền vững. Đặc biệt, vấn đề môi trường và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được xã hội quan tâm.
Phó Giám đốc Sở KHĐT Hoàng Văn Sơn: Thời gian mục tiêu thực hiện đề án đến năm 2020 là quá ngắn (còn lại hơn 3 năm) nên công tác triển khai thực hiện và đặt các mục tiêu sẽ thiếu tính dài hạn, hệ thống.
Theo mục tiêu đề án, đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp phấn đấu đạt khoảng 75.000 - 80.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 50%/năm; giá trị tăng thêm đạt khoảng 22.000 - 24.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 46%/năm; giải quyết việc làm cho khoảng 70.000 - 75.000 lao động, thay đổi cơ cấu lao động nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh: Cần xem xét bổ sung các mục tiêu về công nghiệp tái chế, xử lý các vấn đề môi trường.
Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và tỷ trọng ngành sản xuất, phân phối điện nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải; thu ngân sách từ sản xuất công nghiệp đạt khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phấn đấu đạt trên 2 tỷ USD với các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu như sắt, thép, gỗ MDF, may mặc...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận hình thức, bố cục và nội dung trọng tâm của đề án, góp ý chỉnh sửa nhằm hoàn thiện đề án phù hợp với điều kiện, tình hình nền công nghiệp Hà Tĩnh.
Một số ý kiến cho rằng, thời gian mục tiêu thực hiện đề án đến năm 2020 là quá ngắn nên công tác triển khai thực hiện và đặt các mục tiêu sẽ thiếu tính dài hạn, hệ thống; các giải pháp đưa ra còn chung chung, mang tính định hướng, chưa được cụ thể hóa; cần xem xét, tính toán kỹ hơn một số mục tiêu của đề án vì thực tế, Hà Tĩnh không có nhiều tài nguyên khoáng sản; cần bổ sung, quan tâm hơn đến công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp tái chế…
Giám đốc sở Công thương Hoàng Văn Quảng: Sở Công thương sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung và tiếp tục hoàn thiện nội dung đề án.
Thống nhất ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng cho rằng, đề án cần có định hướng phát triển từng nhóm ngành cho từng khu kinh tế cụ thể; làm rõ hơn về sự cần thiết, loại bỏ một số chi tiết đặc thù, không mang tính giai đoạn để thuyết phục hơn.
Đề án đã đánh giá thực trạng cơ bản, tuy nhiên, cần bổ sung thêm các tiềm năng, lợi thế của địa phương như lợi thế so sánh về vị trí địa lý, cảng biển, nguyên liệu, thủy hải sản, cụm công nghiệp, nhân lực…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Công thương tiếp thu các góp ý để xây dựng cụ thể các mục tiêu của đề án, định hướng rõ hơn về công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ công nghiệp địa phương… Về quy hoạch, cần làm rõ hơn các ngành nghề của các doanh nghiệp chủ lực tại các cụm công nghiệp, các khu kinh tế; tiếp tục rà soát, giải quyết các vấn đề như cụm công nghiệp được đầu tư nhưng không phát huy hiệu quả, đầu tư hạ tầng nhưng quản lý lỏng lẻo hoặc xây dựng quy hoạch nhưng không có nguồn vốn đầu tư.
Về đào tạo nguồn nhân lực, cần làm rõ đối tượng đào tạo, dựa trên nhu cầu thực tế. Xây dựng và bổ sung các tiêu chí thu hút đầu tư, ưu tiên các công nghệ thân thiện với môi trường.