Theo Nick Bognar, chuyên gia về hành vi nhận thức, ở California, Mỹ, khi tập trung vào ghen tị người khác đồng nghĩa bạn đang bỏ qua thứ quan trọng trong cuộc sống của chính mình. Nếu bạn tập trung vào những gì mà hàng xóm hay bạn bè có, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển bản thân, bỏ lỡ cơ hội đạt được thứ tương tự họ.
Hơn nữa, theo các chuyên gia, thật khó để có một mối quan hệ lành mạnh nếu bạn ghen tị với ai đó. “Nếu người ấy không biết bạn đang ghen tị thì bạn không chân thật hoặc nếu cả hai đều ghen tị thì đó là cuộc cạnh tranh liên tục”, Bognar nói.
Nếu bạn nhận ra mình đố kị và sẵn sàng thay đổi quan điểm, nó không đánh mất hạnh phúc và các mối quan hệ của bạn. Thậm chí, ghen tị còn giúp bạn phát triển. Đây là bốn bước để mang lại những điều tốt đẹp đó.
Nhìn nhận lại bản thân
Bognar nói, một trong những điều tai hại nhất của lòng đố kị là cướp mất sự tập trung thời gian học hỏi và phát triển của bạn. Nếu thấy mình đang có suy nghĩ ghen tuông hoặc so sánh bản thân với người khác, hãy kéo mình trở lại.
Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng Kathryn Gates ở Texas, Mỹ, cho rằng sự ghen tị giúp chúng ta biết bản thân mình muốn theo đuổi điều gì. Vì vậy, hãy lắng nghe xem bản thân muốn gì, cần thay đổi ra sao.
Tự hỏi sâu xa bên trong mình
Ám ảnh về những gì người khác có thường là một dấu hiệu cho thấy một phần trong bạn cần được chú ý, dù là niềm tin sai lầm về bản thân hay mục tiêu chưa đạt được. Gates nói rằng đôi khi sự ghen tị có thể báo hiệu các giá trị của bạn và thúc đẩy bạn đưa ra các quyết định phù hợp hơn.
Ví dụ, nếu bạn thấy mình khó chịu khi gia đình ai đó đi nghỉ, có thể bạn cũng muốn có nhiều niềm vui cho gia đình mình. Nếu bạn ghen tị với công việc của ai đó, có thể bạn đang không hài lòng về chính mình và nên cân nhắc thay đổi. Dù bằng cách nào, nếu bạn đào sâu, bạn có thể tìm thấy một mục tiêu hoặc lĩnh vực phát triển mới trong sự ghen tị.
Đặt câu hỏi xem mình đã suy nghĩ đúng chưa
Khi bạn xác định được vì sao mình ghen tị với người khác, ví dụ, anh rể thành công, còn bạn thì không, hãy nỗ lực gấp đôi để có được thành công đó.
Hãy đặt câu hỏi, có bằng chứng khách quan nào chứng minh một người có giá trị hơn bạn không, hay bạn chỉ đang áp đặt suy nghĩ một cách không có cơ sở. Khi nhận ra hành động thiếu suy nghĩ của mình là sai, bạn sẽ dễ dàng phấn đấu hơn.
Theo Gates, bạn cũng nên hỏi lại bản thân xem đã đúng chưa khi muốn có chính xác những gì người khác có. Ví dụ, có thể vợ bạn thân chu đáo hơn vợ bạn. Tuy nhiên, cô ta không biết chia sẻ sở thích với chồng như vợ bạn. Ấy vậy mà bạn không thấy hạnh phúc?
Nỗ lực thay đổi
Cách duy nhất để vượt qua sự ghen tị là làm điều gì đó để giải quyết. Tùy thuộc vào gốc rễ của cảm xúc đố kị , hãy cam kết hành động. Nếu sự ghen tị có liên quan đến nỗi bất an, Bognar khuyên nên tự xác nhận giá trị bản thân.
“Những gì bạn cần nghe có thể là mình tốt, đáng yêu và đáng giá. Khi nhận ra điều đó, bạn sẽ dễ dàng biết rằng những gì người khác có hay không không liên quan đến mình”, Bognar nói.
Nếu ghen tị có liên quan đến điều gì đó bạn thực sự muốn, dù là đời sống xã hội, công việc, sở thích hay thứ gì khác, hãy cố gắng từng bước đạt được. Bằng cách đó, cảm giác ghen tị sẽ nhắc nhở bạn cần làm theo những gì bạn đánh giá cao và nhận ra thành công của người khác không làm giảm giá trị của mình.
Dù bằng cách nào, dành thời gian để giải quyết cảm xúc sẽ chỉ giúp bạn phát triển hơn. Gates nói: “Khi chúng ta tận dụng cảm giác ghen tị để tập trung hơn vào những gì mình thực sự mong muốn, ta có động lực theo đuổi một phiên bản mới tốt đẹp hơn”.