Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng thăm hỏi...
Cụ Thân đang ở với người con trai thứ Nguyễn Trọng Hảo trong ngôi nhà treo nhiều huân, huy chương, kỷ niệm chương cùng bằng khen, giấy khen của Đảng, Nhà nước.
Ông Nguyễn Trọng Diễn, con trai trưởng của cụ vừa từ TP Hồ Chí Minh về thăm cha chia sẻ, con cháu hết sức tự hào với những phần thưởng to lớn ghi nhận sự hy sinh, cống hiến của cụ đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước.
...và trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho cụ Nguyễn Hữu Thân
Xuân này, dù đã vượt cả tuổi “bách niên” nhưng cụ Thân vẫn nhớ chi tiết những chặng đường đấu tranh kiên cường của mình từ khi tham gia Mặt trận Việt Minh giành chính quyền ở huyện Can Lộc, đến cuộc kháng chiến chống Pháp.
Cụ kể, năm 18 tuổi đã theo các bậc cha, chú trong làng Giao Tác, xã Thuận Lộc, huyện Can Lộc (nay thuộc thị xã Hồng Lĩnh) hoạt động cách mạng. Năm 1944, cụ tham gia Mặt trận Việt Minh và được giao nhiệm vụ Phó Chỉ huy Lực lượng tự vệ. Sau đợt huấn luyện, cụ Thân chỉ huy lực lượng cảm tử trực tiếp vào bắt tri huyện Trần Mạnh Đàn, buộc chúng phải nộp triện (con dấu), tài liệu cho Ủy ban Kháng chiến lâm thời.
Ngay sau thắng lợi giành chính quyền, tháng 10/1945, cụ vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Dù đã vượt cả tuổi “bách niên” nhưng cụ Thân vẫn nhớ chi tiết những chặng đường đấu tranh kiên cường của mình từ khi tham gia Mặt trận Việt Minh giành chính quyền ở huyện Can Lộc, đến cuộc kháng chiến chống Pháp.
Cách mạng tháng Tám thành công, cụ Thân gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam, tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp trên các mặt trận Bình Trị Thiên và phía Bắc. Đến năm 1957, cụ chuyển công tác về Khu ủy Khu 4 rồi được điều về công tác tại Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh.
Những năm tháng cụ Thân biền biệt tham gia kháng chiến, vợ cụ - bà Nguyễn Thị Cháu ở nhà tần tảo nuôi con khôn lớn. Cả 5 người con trai của cụ đều lên đường đánh Mỹ, trong đó, người con trai thứ 3 đã anh dũng hy sinh, 3 người con đã để lại một phần máu thịt của mình trên chiến trường.
Cụ Thân và người con trai trưởng Nguyễn Trọng Diễn
Năm 1979, cụ Thân nghỉ hưu, trở về sinh sống tại quê hương, tham gia công tác mặt trận và các hoạt động tại địa phương, đóng góp nhiều ý kiến để xây dựng chi bộ, đảng bộ vững mạnh.
Đối với các con, cụ Thân luôn là chỗ dựa tinh thần to lớn. Ông Nguyễn Trọng Hảo chia sẻ: “Những cống hiến to lớn của cha, truyền thống cách mạng của gia đình luôn là động lực để tôi và con cháu vượt qua khó khăn, gương mẫu trong công tác và cuộc sống thường ngày”.
Ở tuổi 102, cụ Nguyễn Hữu Thân không còn nhanh nhẹn, nhưng trái tim luôn đầy ắp niềm vui bởi lòng biết ơn và sự quan tâm của gia đình, cấp ủy, chính quyền địa phương và bà con làng xóm.
“Tôi sống đến từng này tuổi rồi, có khó khăn nào mà chưa trải qua. Hôm nay, đất nước hòa bình, cuộc sống người dân không còn khó khăn như trước nữa. Xin cảm ơn Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến gia đình tôi. Được sống trong sự chăm sóc của con cháu, sự kính trọng của bà con và thường xuyên được các cơ quan ban, ngành, địa phương thăm hỏi, động viên, tôi mãn nguyện lắm!” - cụ Thân chia sẻ cùng chúng tôi niềm vui này với nụ cười đôn hậu.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh Võ Xuân Linh cho biết, hiện toàn tỉnh có hơn 34.000 đối tượng chính sách, gia đình người có công với cách mạng. Nhằm thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với gia đình chính sách, người có công, những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương thực hiện chi trả đảm bảo đúng, đủ, chu đáo, kịp thời các chế độ, chính sách cho từng đối tượng. |