Tại khu vực Khe Mui, TK 249, xã Hương Lâm, huyện Hương Khê, lực lượng kiểm lâm phát hiện vụ sẻ phát rừng trái phép với diện tích khoảng 2 ha.
Vào giữa tháng 4/2019, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) thuộc Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, phối hợp với Hạt Kiểm lâm Hương Khê tiến hành kiểm tra tại khu vực Khe Mui, Tiểu khu (TK) 249, xã Hương Lâm, phát hiện vụ sẻ phát trái phép với diện tích khoảng 2 ha. Đơn vị đã lập hồ sơ giao UBND xã Hương Lâm xử lý đối với hộ ông D.Đ.N ở xóm 4, Hương Lâm.
Không lâu sau, Hạt Kiểm lâm Hương Khê tiếp tục phát hiện tại khoảnh 3, TK 256, xã Hương Lâm, thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A Hà Tĩnh quản lý bị chặt phá trái phép khoảng 1,5 ha.
Gần đây (tháng 5/2019), Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR phối hợp Hạt Kiểm lâm Hương Sơn kiểm tra Tiểu khu 31 – K2 khu vực Ba Bành, xã Sơn Hồng phát hiện một số điểm rừng bị người dân ngang nhiên xâm hại với diện tích 2.100 m2. Trong đó, diện tích có rừng 1.300 m2, đất trống 800 m2.
Ngoài ra, Đội còn phát hiện thêm 3 điểm sẻ phát trong khu vực này, có diện tích từ 500 - 700 m2. Trạm Kiểm lâm địa bàn Sơn Lĩnh đã lập biên bản, tham mưu UBND xã xử lý các đối tượng liên quan theo quy định.
Nghiêm trọng hơn, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR còn phát hiện hộ ông N.V.T tại Tổng đội TNXP Sơn Kim, sẻ phát, đốt rừng tự nhiên trên diện tích khoảng 1 ha, Đội đã giao Hạt Kiểm lâm Hương Sơn xử lý…
Hiện trên địa bàn các huyện: Kỳ Anh, Hương Sơn, Hương Khê..., tình trạng sẻ phát, lấn chiếm đất rừng để trồng cây nguyên liệu vẫn diễn ra một cách lén lút.
Từ những vụ điển hình trên cho thấy, tình trạng ngang nhiên xâm hại, lấn chiếm đất rừng đã, đang xẩy ra tại nhiều địa phương, chủ rừng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ông Lê Khắc Hữu - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh, cho hay: Mới đây, đơn vị còn phát hiện người dân tại xã Kỳ Lạc vẫn tiếp tục phát dọn, trồng cây trái phép trên đất của Nông trường Cao su Kỳ Lạc, dù trước đó vụ việc lấn chiếm đất rừng nơi đây đã được các cấp, ngành, địa phương vào cuộc giải quyết, xử lý.
Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh thông tin, trong số trên 120 vụ vi phạm lâm luật bị phát hiện và xử lý 6 tháng đầu năm 2019, có hơn phân nửa số vụ là sẻ phát, lấn chiếm rừng và đất rừng trái phép. Tình trạng sẻ phát, lấn chiếm rừng và đất rừng đã diễn ra từ nhiều năm qua, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu.
Lực lượng Kiểm lâm Hà Tĩnh kiểm tra vụ khai thác rừng trái phép tại TK 361 và 366, thuộc xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh), thuộc lâm phần do BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ quản lý.
Theo ý kiến của một số chuyên gia lâm nghiệp, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên trước hết là do việc giao đất, giao rừng cho địa phương, chủ rừng Nhà nước chưa phù hợp với nhu cầu, khả năng, trình độ (và cả ý thức) trong quản lý... dẫn đến rừng và đất rừng không được bảo vệ, quản lý đúng quy định; sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, kém hiệu quả...
“Nhiều chủ rừng chỉ khi bị người dân chiếm, lấn đến hàng chục, thậm chí hàng trăm ha mới “kêu cứu” mà không hề có biện pháp bảo vệ, trước đó” - cán bộ phòng NN&PTNT một huyện (xin giấu tên) cho biết.
Trong khi chủ rừng nhà nước bỏ đất lãng phí thì nhu cầu trồng rừng nguyên liệu của hộ gia đình tại các địa phương ngày càng lớn, cộng với ý thức chấp hành pháp luật thấp nên xảy ra tình trạng lén lút lấn chiếm đất rừng. Nhiều người dân xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh) còn cho rằng, “đất công ty không trồng thì chúng tôi trồng”. Không ít hộ gia đình hoặc là thiếu hiểu biết, hoặc là cố tình sẻ phát, lấn chiếm đất rừng làm của riêng.
Việc giao đất, giao rừng cho UBND cấp xã quản lý đang cho thấy nhiều bất cập do thiếu cán bộ chuyên trách, thiếu kinh phí bảo vệ. Ngoài ra, sự vào cuộc thiếu đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương, chủ rừng cũng là lý do dẫn tới rừng bị xâm lấn, sẻ phát trái phép kéo dài...