Hàng nghìn người biểu tình ở New Zealand đổ ra đường để bày tỏ tinh thần ủng hộ của họ với phong trào “Người da màu đáng được sống”. (Ảnh: AFP)
George Floyd, 46 tuổi, bị bốn cảnh sát khống chế hôm 25/5 do cáo buộc liên quan đến một vụ tiêu thụ tiền giả. Sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin ghì chặt đầu gối lên gáy Floyd trong hơn 9 phút, dù anh này liên tục cầu xin và nói “tôi không thể thở” rồi nằm bất động. Floyd sau đó chết tại bệnh viện.
Vụ việc làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại Mỹ trong bối cảnh cuộc chạy đua tranh cử Tổng thống nước này đang có nhiều diễn biến bất ngờ. Đồng thời các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngặn dịch Covid-19 lây lan cũng khiến hàng triệu người Mỹ mất việc. Hàng chục thành phố tại Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm và các thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được triển khai tại 15 bang và thủ đô Washington.
Hãng tin Reuters đưa tin, hôm nay (1/6), hàng nghìn người dân New Zealand tuần hành ôn hòa để cổ vũ phong trào “Người da màu đáng được sống” (Black Lives Matter) và phản đối sự việc George Floyd.
Sau khi kết thúc cuộc tuần hành, người biểu tình ở Auckland – thành phố lớn nhất nước này ngồi xuống đường, giơ nắm đấm lên như một cách để thể hiện tình đoàn kết.
Trong các bài đăng trên mạng xã hội, những người biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Mỹ ở Auckland giơ cao những tấm áp phích với dòng chữ “Công lý cho George Floyd” và “Có phải người tiếp theo là chúng ta?”
Còn tại thủ đô Wellington của New Zealand, hơn 100 người đi bộ từ tòa nhà quốc hội New Zealand đến Đại sứ quán Mỹ, hô vang khẩu hiệu cổ vũ phong trào “Người da màu đáng được sống”. Một buổi thắp nến cầu nguyện cũng được lên kế hoạch tổ chức tại Wellington vào tối nay.
Dọc theo vùng biển Tasman ở Australia, các cuộc biểu tình dự kiến sẽ diễn ra vào tối 2/6. Trong một email gửi cho công dân Mỹ sống ở Australia, lãnh sự quán Mỹ cho biết các văn phòng ở thành phố Sydney của cơ quan này sẽ đóng cửa sớm vào ngày mai.
Tại thủ đô London (Anh) và Berlin (Đức), người biểu tình ở cũng đã đổ ra đường để bày tỏ tinh thần ủng hộ của họ với phong trào “Người da màu đáng được sống” ở Mỹ.