Bàn tay điêu luyện của bà Sinh - người phụ nữ có thâm niên gần 60 năm làm nghề vắt nồi
Bà Sinh năm nay 72 tuổi và là người cuối cùng của làng nghề nổi tiếng "Vắt nồi Cổ Đạm" đã quyết định từ giã nghề cách đây 2 tháng. Trước đó, vào khoảng đầu năm 2018, em gái bà cũng đã nói lời chia tay với nghề làm nồi đất từng mang lại niềm vui, nguồn thu nhập lớn cho cả gia đình gần 10 miệng ăn trong hàng chục năm qua.
Theo những bậc cao niên, nghề làm nồi đất ở Cổ Đạm xuất hiện từ thời nhà Mạc, cách nay chừng 600 năm. Làng nghề trải qua thời kỳ dài hưng thịnh rồi lụi tàn dần từ năm 2010 lại nay. Những năm gần đây, cả xã chỉ có 2 chị em bà Sinh “hành nghề” khi có ai đó đặt hàng.
Cụ Lê Văn Hoan (82 tuổi, thôn 7, xã Cổ Đạm) nhớ lại: Thời kỳ hoàng kim nhất đối với nghề vắt nồi Cổ Đạm là giai đoạn từ năm 1960 – 1970. Những năm đó, ở 2 thôn Kỳ Tây và Kỳ Đông (nay là thôn 3 và thôn 7) có đến hơn 300 hộ dân tham gia làm nồi đất với rất nhiều sản phẩm như: Vùa uống nước, siêu sắc thuốc bắc, nồi hông xôi, nồi rang… chất lượng, đẹp, đa dạng về mẫu mã.
Bà Sinh đốt lò để sản xuất những lô hàng cuối cùng
Bí quyết khiến sản phẩm đất nung Cổ Đạm nổi tiếng là sau khi nhào nặn xong sẽ được nhúng qua “nước men” (nước bột đất sét loãng được lọc kỹ) sau đó mới đem phơi khô và nung chín nên độ bền, bóng khá cao.
Cũng vì lẽ đó, có không ít nghệ nhân người Lào từng tìm đến địa phương theo học. Thậm chí, có thời điểm, người Cổ Đạm còn cử “chuyên gia” sang kèm cặp, giúp nước bạn phát triển nghề truyền thống vắt nồi.
Thời điểm đó, sản phẩm đất nung Cổ Đạm làm đến đâu tiêu thụ đến đó. Thế nhưng, hiện tại, “cánh cửa” làng nghề gốm đất nung nổi tiếng ở Cổ Đạm chính thức khép lại khi 2 bậc tiền bối cuối cùng tuyên bố "giải nghệ".
Bà Sinh đang được xã Cổ Đạm lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền xem xét cấp danh hiệu nghệ nhân
Có rất nhiều nguyên nhân đẩy làng nghề vắt nồi bị “khai tử”. Trước hết là do sự "chiếm lĩnh thị phần" của các vật dụng thay thế làm bằng gang, sắt, nhôm, nhựa... với rất nhiều mẫu mã bắt mắt, độ bền cao. Vẫn biết rằng, sản phẩm thủ công (nồi, niêu đất...) có những ưu điểm nổi trội như quá trình nấu nướng hương vị đặc biệt thơm ngon, rất thân thiện với môi trường, nhưng nhiều người vẫn chọn các dụng cụ thay thế bởi tính bền chắc và thuận tiện.
Đặc biệt là, bên cạnh khan hiếm nguồn nguyên liệu (đất sét), vắt nồi lại là nghề vất vả, cực nhọc, thu nhập không cao. Vì vậy, hầu hết thanh niên ở làng, ở xã đều không mặn mà với nghề truyền thống của quê hương.
Những sản phẩm "vang bóng một thời".
Bà Lê Thị Sinh tâm sự: “Để tạo ra những sản phẩm bằng gốm đất nung, phải qua nhiều công đoạn, từ lấy đất sét, nhào trộn đất, vắt nồi rồi nung. Tất cả đều làm thủ công. Cũng vì mất nhiều công sức nên nhiều người không còn mặn mà, nhất là giới trẻ".
Để lưu giữ nét văn hóa của địa phương, chính quyền xã Cổ Đạm cũng đã manh nha ý tưởng phục dựng lại làng nghề đang dần bị mai một, thường xuyên tổ chức tuyên truyền nhằm khơi dậy lòng tự hào cho thế hệ trẻ, để họ biết nhiều hơn về những giá trị của cha ông để lại và gắn bó với nghề. Đặc biệt, sự vào cuộc kịp thời vào lúc này là rất cần thiết, bởi các nghệ nhân còn lại vẫn còn đó niềm đam mê với nghề và đau đáu với nỗi lo làng nghề biến mất.