Lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc: “Quýt làm, cam chịu”!

(Baohatinh.vn) - Hàng trăm lao động Hà Tĩnh đang đầu tư học tập, xây dựng kế hoạch tìm cơ hội việc làm ở Hàn Quốc. Thế nhưng, họ đang phải phải gánh chịu hậu quả do chính những lao động thiếu trách nhiệm gây ra.

Lo lắng và chờ đợi

Ngay sau khi chương trình EPS được tái khởi động, theo thống kê chưa đầy đủ, từ đầu tháng 6 đến nay, tại Hà Tĩnh đã có hơn 2.100 lao động đăng ký học tiếng Hàn tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn. Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều học viên thuộc các huyện bị tạm dừng tuyển chọn lao động đang theo học khóa đào tạo tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh tỏ ra lo lắng. Không ít em đã bỏ về, những em đang bám trụ ở lại đều có chung tâm trạng lo lắng và chờ đợi cơ hội mới. Nguyễn Thị Diện (SN 1993, ở xã Xuân Liên - Nghi Xuân) cho biết: “Trước thông tin dừng tiếp nhận lao động huyện Nghi Xuân đi làm việc ở Hàn Quốc, bản thân em cũng như nhiều học viên băn khoăn, lo lắng, tuy nhiên, em vẫn tiếp tục theo học để có kiến thức, hy vọng chờ đợi những năm tiếp theo”.

lao dong cu tru bat hop phap tai han quoc quyt lam cam chiu

Cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh hướng dẫn người lao động làm hồ sơ đăng ký dự thi tuyển tiếng Hàn.

Cùng chung tâm trạng, Võ Xuân Hào (SN 1991, ở xã Yên Lộc - Can Lộc) chia sẻ: “Anh trai em hiện đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với thu nhập khá, theo hợp đồng thì đầu năm 2017, sẽ hết hạn và về nước. Vì vậy, em đã đăng ký học tiếng Hàn để tham gia thi vào đầu tháng 10 này. Khi biết thông tin, lao động ở Can Lộc không được dự thi tuyển tiếng Hàn do có nhiều lao động cư trú bất hợp pháp, em rất thất vọng, nhưng sẽ tiếp tục hoàn thành khóa học, hy vọng có cơ hội thi vào năm sau”.

Còn chị Lê Thị Hằng ở Kỳ Phú (Kỳ Anh) trăn trở: “Không biết hàng trăm lao động nữ đang theo học tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh có được tham gia dự tuyển vào ngành ngư nghiệp hay không?”.

Cần có chế tài đủ mạnh

Theo ông Đặng Văn Dũng, Trưởng phòng Việc làm - Lao động, Sở LĐ-TB&XH, tính đến hết tháng 6/2016, Hà Tĩnh có 885 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, trong đó, Nghi Xuân có số lượng lớn với 403 lao động, tập trung ở xã Cương Gián; Cẩm Xuyên 179 lao động, tập trung ở Cẩm Nhượng, Cẩm Nam; Thạch Hà 70 lao động.

lao dong cu tru bat hop phap tai han quoc quyt lam cam chiu

Vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để giảm tình trạng cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Ảnh: Doanhnhansaigon

“Trước tình trạng nhiều lao động Hà Tĩnh cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, từ nhiều năm nay, UBND tỉnh phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức hàng chục hội nghị tuyên truyền, vận động, tổ chức cho các gia đình ký cam kết vận động con em về nước đúng thời hạn. Các cấp, ngành đã triển khai các biện pháp xử lý, xử phạt các lao động cư trú bất hợp pháp theo quyết định xử phạt của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố, thị xã đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, đăng thông tin danh sách lao động cư trú bất hợp pháp trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, những giải pháp đó vẫn không đưa lại hiệu quả” - ông Dũng cho hay.

“Bản thân các gia đình có người thân đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc chưa thực sự hợp tác với địa phương. Chính quyền một số địa phương, tổ chức liên quan được phân công trách nhiệm không vào cuộc quyết liệt để tuyên truyền, vận động lao động cư trú bất hợp pháp về nước” - ông Dũng cho biết thêm.

Về mặt khách quan, ông Dũng cho rằng, một số giới chủ ở Hàn Quốc đang bảo lãnh cho người lao động ở lại làm việc bất hợp pháp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián (Nghi Xuân) cho biết, hiện nhu cầu được sang Hàn Quốc làm việc của lao động trong xã còn rất lớn. Các giải pháp vận động, tuyên truyền của địa phương không có hiệu quả khi những gia đình có con em đang làm việc bất hợp pháp, vì lợi ích cá nhân nên thiếu trách nhiệm với cộng đồng.

Thực tế cho thấy, các giải pháp ngăn chặn tình trạng người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp để làm việc ở Hàn Quốc đang rơi vào bế tắc. “Quýt làm, cam chịu”, hàng trăm lao động Hà Tĩnh đang đầu tư học tập, xây dựng kế hoạch tìm cơ hội việc làm ở Hàn Quốc phải gánh chịu hậu quả do chính những lao động thiếu trách nhiệm gây ra. “Các cơ quan liên quan của Việt Nam cần đề nghị các cơ quan pháp luật Hàn Quốc có những chế tài xử lý mạnh để buộc các lao động Việt Nam hồi hương đúng hạn”, ông Dũng đề nghị.

Chủ đề Làng nghề LĐVL

Đọc thêm

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Xứng danh "Doanh nghiệp vì người lao động"

Thực hiện đầy đủ chế độ theo quy định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho công nhân, các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh đang nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu “Doanh nghiệp vì người lao động”.