Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An chủ trì. Ảnh chụp màn hình trực tuyến.
Điểm cầu Hà Tĩnh.
Sáng nay (25/8), Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết Chỉ thị 16-CT/TW, ngày 08/5/2012 của Ban Bí thư khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An chủ trì điểm cầu Trung ương. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng điều hành tại tại điểm cầu Hà Tĩnh. |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng
Hơn 1 triệu lao động và chuyên gia làm việc ở nước ngoài
10 năm qua, công tác phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW đã được các cấp ủy đảng, chính quyền triển khai nghiêm túc, kịp thời, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Hệ thống luật pháp, chính sách về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được sửa đổi, bổ sung cơ bản phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, chủ trương hội nhập của nước ta. Công tác đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục pháp luật, phong tục, tập quán của nước tiếp nhận, định hướng cho người lao động và chuyên gia ngày càng được chú trọng. Chất lượng lao động và chuyên gia của Việt Nam được nâng cao. Công tác phát triển thị trường lao động ở các nước phát triển được coi trọng.
Hội nghị được trực tuyến đến 63 điểm cầu trong cả nước. Ảnh chụp màn hình trực tuyến.
Quy mô tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh qua các năm.
Thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển, từ 9 thị trường năm 2013 đến nay đã mở rộng lên 25 thị trường. Có hơn 1 triệu lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 40% so với bình quân giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị 16-CT/TW.
Thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân trên 200 triệu động/người/năm, góp phần xóa đói giảm nghèo, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW vẫn tồn tại một số hạn chế như: Công tác truyền thông về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, chưa rộng rãi, kịp thời; việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật còn chậm; công tác đánh giá chất lượng đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động chưa chặt chẽ; công tác bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài có lúc, có nơi còn chưa tốt; công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý các sai phạm về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Trên cơ sở đó, hội nghị đã thảo luận, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, nhất là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động này; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài gắn với quản lý lao động trong nước; đổi mới đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ và văn hóa cho người lao động.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh Nguyễn Trí Lạc phát biểu tại hội nghị.
Lao động làm việc ở nước ngoài đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế của Hà Tĩnh Tham luận tại hội nghị, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc khẳng định, Hà Tĩnh hiện là một trong 3 tỉnh có số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đứng đầu cả nước. Bình quân mỗi năm có trên 7.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Số ngoại tệ gửi về góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ trợ đầu tư cho các chương trình giảm nghèo, xây dựng NTM và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Bên cạnh những kết quả đạt được thì tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài không theo hợp đồng, đặc biệt di cư tự do sang làm ăn, buôn tại các nước còn nhiều. Hà Tĩnh kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 08/5/2012 của Ban Bí thư khoá XI; Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khảo sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện tại, có độ bao phủ lớn hơn. Xem xét ban hành đề án đưa lao động có chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, tạo cơ hội về việc làm cho lao động có tay nghề đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp nhưng chưa tìm được việc làm ở trong nước; tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách của nhà nước về hỗ trợ, quản lý, bảo hộ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và cả những lao động không theo hợp đồng nhưng không vi phạm pháp luật, nhằm tổng kết thực tiễn, đề ra chính sách thực hiện. |
Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là xu hướng tất yếu
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, việc thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW ngày 08/5/2012 của Ban Bí thư khóa XI là một chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều kết quả quan trọng, nhất là giải quyết việc làm cho một lượng lớn người lao động, tạo thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, lao động đi làm việc ở nước ngoài của Việt Nam đang chủ yếu là trình độ thấp; tình trạng bỏ trốn ra ngoài để ở lại làm việc không hợp đồng còn rất đông, gây ra nhiều hệ lụy; tình trạng lao động Việt Nam vi phạm pháp luật tại các nước sở tại khá nhiều...
Thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục nâng cao nhận thức về việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, coi đây là một xu hướng tất yếu; hoàn thiện hệ thống pháp luật về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để hạn chế việc móc ngoặc nâng giá đưa người đi nước ngoài; xử lý nghiêm các doanh nghiệp trá hình, doanh nghiệp vi phạm các quy định về đưa người đi làm việc ở nước ngoài; nâng cao năng lực quản lý nhà nước liên quan đến nắm bắt quy luật cung cầu về thị trường lao động; đổi mới công tác đào tạo nghề, quan tâm rèn luyện kỹ năng, tác phong làm việc cho người lao động...