Ông Nguyễn Minh Kế sinh năm 1934, trong một gia đình theo đạo Công giáo ở thôn Song Yên. “Từ nhỏ, tôi đã được thấm nhuần những lời răn về đạo làm người, về lòng “kính chúa, yêu nước”, thế nên tôi hiểu khi Tổ quốc lâm nguy thì sẵn sàng lên đường ra trận" - ông Kế trò chuyện.
Ông Nguyễn Minh Kế - một giáo dân yêu nước.
Năm 1966, với tình yêu nước và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông Kế tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Là một ngư dân dày dặn kinh nghiệm, ông được phân công nhiệm vụ hỗ trợ các đoàn tàu chở hàng hóa, vũ khí vào Nam khi đi qua vùng biển Hà Tĩnh.
Thời gian này, ông cũng được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Cẩm Long (nay là thị trấn Thiên Cầm). Phát huy tinh thần trách nhiệm của một cán bộ đoàn, ông Kế đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên địa phương tham gia lực lượng thanh niên xung phong, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp...
Đầu năm 1972, ông Kế tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến. Đến tháng 7/1972, do yêu cầu của cuộc chiến, ông Kế được điều động sang Trung đoàn 42 (Quân Khu IV) trực tiếp tham gia các trận đánh tại chiến trường Lào như: Mahaxay (Khăm Muộn), Khăm Cợt (Bôlykhămxay)...
Những kỷ vật ở chiến trường được ông Kế giữ gìn.
Với những cống hiến cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ông Kế vinh dự được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, Huy chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều bằng khen của các cấp, ngành.
Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất, cũng vào năm 1975, ông Kế trở về địa phương và tham gia Hợp tác xã Nông nghiệp với vai trò chủ nhiệm. Đến năm 1990, ông chính thức nghỉ hưu, chuyên tâm cho những chuyến đi biển - nghề truyền thống bao đời của gia đình ông.
Lênh đênh theo từng con sóng, ông Kế không chỉ coi đó là kế sinh nhai mà còn là cách ông giữ gìn tình yêu với biển đảo quê hương, tình yêu với Tổ quốc. “Sinh ra tôi đã nhìn thấy biển. 15 tuổi, tôi đã theo chân cha đi những chuyến biển dài ngày. Biển gần như đã trở thành máu thịt của tôi” - ông Kế chia sẻ.
Vì tình yêu với biển, gần 90 tuổi ông Kế vẫn đều đặn những chuyến ra khơi.
Ông cùng các bạn thuyền là những ngư dân tích cực tham gia, hỗ trợ công tác bảo vệ chủ quyền vùng biển; đẩy đuổi những tàu thuyền lạ có ý định xâm nhập bất hợp pháp ngư trường truyền thống của người dân địa phương. Năm 2003, ông đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới”.
Với tài bơi lội trên sông nước của mình, ông còn thường xuyên tham gia công tác cứu hộ cứu nạn người dân địa phương trong các cơn bão, trận lũ lớn. Đặc biệt, trong trận lũ lịch sử tháng 10/2020, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn cùng các ngư dân trong vùng phối hợp với lực lượng cứu hộ cứu nạn của địa phương sơ tán người dân và tài sản ra khỏi vùng ngập lụt nguy hiểm.
Bà Nguyễn Thị Lý - vợ ông Kế, là người luôn động viên chồng tích cực tham gia phong trào tại địa phương.
Thôn Song Yên bắt đầu thời kỳ xây dựng nông thôn mới với vướng mắc lớn nhất là những tuyến đường chật hẹp; một bộ phận người dân chưa thực sự đồng thuận với chủ trương chung.
Là Trưởng ban Hành giáo của Giáo họ Hội Yên (thuộc Giáo xứ Nhượng Bạn), ông Kế đã dùng uy tín của mình để vận động các thành viên trong gia đình, bà con giáo dân hiến đất, góp công, góp của để thôn mở đường. Bản thân ông và vợ là bà Nguyễn Thị Lý (SN 1936) cũng đi đầu trong việc đóng góp kinh phí, đứng ra trông coi công trình trong suốt quá trình thi công.
Với những đóng góp đó, ông Kế nhiều năm được nhận bằng khen của Ủy ban Đoàn kết Công giáo huyện Cẩm Xuyên, giấy khen “Người Công giáo thi đua yêu nước” của Ủy ban MTTQ huyện...
Với những đóng góp của mình, ông Kế được các cấp, ngành ghi nhận, biểu dương.
Ông Nguyễn Tiến Minh - Trưởng thôn Song Yên cho biết: “Ông Kế là giáo dân yêu nước, một cựu chiến binh gương mẫu ở địa phương. Với uy tín của mình, ông là cầu nối giữa giáo dân với chính quyền địa phương; có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng nông thôn mới của thôn”.
Gần tuổi 90 nhưng nhìn gương mặt phúc hậu, làn da rắn rỏi và giọng nói trầm ấm, ít ai nghĩ rằng ông Kế đã ở vào cái độ tuổi “xưa nay hiếm”. Càng ngạc nhiên hơn khi ngày ngày, ông vẫn đều đặn những chuyến ra khơi bám biển cùng các bạn thuyền.
“Dù không đi được những chuyến biển dài ngày như trước nữa nhưng tàu của tôi ít khi nằm bờ. Không đi, tôi nhớ biển không chịu được. Một phần là thói quen, phần nữa là đi cùng anh em bạn thuyền để động viên họ tiếp tục bám biển bảo vệ ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương" - lão ngư bộc bạch.