Chiều tối ngày 12/6, Công ty May mặc xuất khấu Appareltech Hà Tĩnh (CCN Đức Thọ) tạm thời bị phong tỏa do có 1 trường hợp F1. Sáng hôm sau, khi F1 âm tính lần 1, lệnh phong tỏa được dỡ bỏ để hoạt động trở lại. Đó cũng là lúc toàn công ty tập trung siết chặt lại công tác phòng, chống dịch Covid-19, bởi nếu dịch bệnh xảy ra hậu quả sẽ rất nặng nề.
Công ty May mặc xuất khấu Appareltech Hà Tĩnh duy trì sản xuất trong điều kiện phòng dịch.
Bà Phan Thị Nhường - Phụ trách nhân sự công ty cho biết: Để đảm bảo phòng dịch, đối với các trường hợp F2, chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện lấy mẫu xét nghiệm và cho cách ly tại nhà đến khi F1 có kết quả xét nghiệm. Nếu F1 xét nghiệm 3 lần âm tính thì mới cho các trường hợp F2 đi làm trở lại.
Công ty cũng đã tiến hành test nhanh kháng nguyên, sàng lọc virus SARS-CoV-2 cho gần 1.000 người lao động. Ngoài ra, để đảm bảo giãn cách, đơn vị bố trí làm việc 3 ca trong ngày, chỉ duy trì trên 300 công nhân mỗi ca.
Nằm trong CCN Bắc Cẩm Xuyên – khu vực có công nhân bị nhiễm Covid-19, Công ty CP Sao Mai đã kích hoạt các biện pháp phòng dịch ở cấp độ cao nhất.
100% người lao động của Công ty CP Sao Mai đã ký cam kết phòng, chống dịch.
Ông Hoàng Anh Sáng – Trưởng phòng Điều hành Công ty CP Sao Mai cho biết: “Hiện nay, 100% người lao động của công ty đã ký cam kết phòng chống dịch. Một số bộ phận của nhà máy giảm từ 3 ca sản xuất xuống còn 2 ca. Hơn 30 công nhân trú tại TP Hà Tĩnh (vùng cách ly y tế - PV) tạm nghỉ việc để phòng dịch.
Đối với số lao động đang làm việc, hiện nay, thay vì cho công nhân đi ăn tập trung, công ty chia ra nhiều lượt để giảm số người ở nhà ăn. Công ty cũng phun khử khuẩn cho các xe vận chuyển hàng hóa ra vào cổng”.
Tổ liên ngành của UBND huyện Cẩm Xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại CCN Bắc Cẩm Xuyên.
Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, bên cạnh siết chặt các biện pháp phòng dịch, các doanh nghiệp cũng đang thực hiện test nhanh kháng nguyên sàng học virus SARS-CoV-2 hoặc bằng phương pháp RT-PCR gộp mẫu cho người lao động. Một số doanh nghiệp có số lượng lao động lớn sẽ ưu tiên test cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao trước.
Anh Nguyễn Văn Hóa – Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc (CCN Can Lộc) cho biết: Công ty đã thành lập Ban chỉ đạo chống dịch, tổ an toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời, lên kịch bản chi tiết các phương án phòng dịch theo các mức độ diễn biến của dịch.
Hiện nay, lực lượng sản xuất tại nhà máy có 40 người đã được test nhanh và đều cho kết quả âm tính. Các biện pháp phòng dịch theo quy định được công ty thực hiện đầy đủ và 100% người lao động cũng đã ký cam kết phòng dịch.
40 người lao động Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc được test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 và đều cho kết quả âm tính.
Với lượng lớn doanh nghiệp hoạt động, KKT Vũng Áng (TX Kỳ Anh) cũng đang tăng cường các giải pháp đảm bảo sản xuất kinh doanh an toàn trước dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, hiện các doanh nghiệp đang thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho công nhân, lao động để rà soát, phục vụ công tác phòng chống dịch.
Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 quản chặt lao động để đảm bảo vận hành an toàn trong mùa dịch.
“Ban quản lý KKT tỉnh đang tập trung đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp trong việc thực hiện nghiêm công tác giám sát di biến động của các lao động; yêu cầu doanh nghiệp cần chủ động các bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 và luôn có phương án sẵn sàng khi có tình huống dịch bệnh xảy ra”, ông Phạm Trần Đệ - Phó Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh cho biết.
Hà Tĩnh hiện có 5 KKT và KCN, 23 CCN với khoảng 100.000 lao động làm việc. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã ban hành Kế hoạch 1921/KH-BCĐ ngày 12/6/2021 về phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, KKT, KCN, CCN trên địa bàn.
Thực hiện kế hoạch, hiện nay các doanh nghiệp trong các KKT, KCN, CCN đã triển khai các biện pháp phù hợp nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó nếu dịch bệnh xảy ra. Các doanh nghiệp hiểu rõ rằng, một khi có ca bệnh xuất hiện thì bắt buộc phải ngừng sản xuất và phong tỏa nhà máy, bởi vậy, việc siết chặt các biện pháp phòng dịch là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Các địa phương cũng đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh thắt chặt công tác phòng dịch. Tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch, đặc biệt là những cơ sở có quy mô lớn, nguy cơ lây lan dịch cao.
Ông Nguyễn Công Hải - Chủ tịch LĐLĐ huyện Đức Thọ cho hay: “Để vừa duy trì sản xuất, vừa phòng chống dịch hiệu quả, LĐLĐ huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng chống dịch đối với công đoàn cơ sở, nhất là công đoàn ở các công ty, nhà máy, vì đây là những đơn vị tiềm ẩn nguy cơ cao”.
Nhà máy sản xuất bao bì Sông La Xanh thực hiện giãn cách trong quá trình sản xuất.
Để đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động an toàn, hiệu quả, Sở Công thương, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh triển khai nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công thương; các công văn của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Xuân Từ, sở đã đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố và đơn vị phụ trách tại KKT, KCN, CCN gửi thông tin tài khoản đăng nhập và tài liệu hướng dẫn sử dụng "Bản đồ sống chung an toàn với Covid-19" cho các đơn vị, nhà máy, xí nghiệp…; hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực hiện đăng nhập tài khoản của mình và các thủ tục đánh giá mức độ an toàn trên ứng dụng "Bản đồ sống chung an toàn với Covid-19" tại địa chỉ https://antoancovid.vn.