Chiều 2/7, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các huyện, thành phố, thị xã và kết nối qua phần mềm đến các xã, phường, thị trấn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh và Đại tá Nguyễn Xuân Thao - Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó Thường trực Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo kết quả sơ kết 6 tháng thực hiện Đề án 06, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 2 kế hoạch, hàng chục văn bản để tổ chức chỉ đạo tháo gỡ những "điểm nghẽn" trong quá trình triển khai; 100% các sở, ban, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện tại đơn vị. Các địa phương đã hợp nhất Tổ công tác triển khai Đề án 06 cấp xã với Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã thành 216 Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã; Tổ triển khai Đề án 06 cấp thôn với Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp thôn thành 1.937 Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp thôn.
UBND tỉnh đã giao các đơn vị liên quan rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) phục vụ triển khai đề án. Công an tỉnh chủ trì rà soát các văn bản QPPL có nội dung liên quan đến Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu bộ, ngành và địa phương.
UBND tỉnh đã ban hành 41 quyết định công bố 389 Danh mục và quy trình nội bộ giải quyết TTHC; chỉ đạo các đơn vị, địa phương niêm yết, công khai đầy đủ, kịp thời. Đồng thời, tham mưu HĐND tỉnh ban hành nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh trên địa bàn...
Từ 15/12/2023 đến ngày 14/6/2024, tổng số hồ sơ TTHC được tiếp nhận, cập nhật lên hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh là 256.544 hồ sơ (cấp tỉnh tiếp nhận 121.421 hồ sơ; cấp huyện tiếp nhận 36.398 hồ sơ; cấp xã tiếp nhận 98.725 hồ sơ).
Các sở, ngành, phòng ban cấp huyện và UBND cấp xã đã tiếp nhận 281.607 hồ sơ; trong đó, đối với 11 dịch vụ công của Bộ Công an đã tiếp nhận trực tuyến 148.232/150.891 hồ sơ; đối với 14 dịch vụ công của các ngành, địa phương đã tiếp nhận trực tuyến 117.126/130.716 hồ sơ.
Các ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử phục vụ phát triển KT-XH tiếp tục được đẩy mạnh. Kết nối, tích hợp, khai thác dữ liệu chia sẻ từ Cở sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ triển khai Dịch vụ công trực tuyến đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng đối với lĩnh vực giáo dục. Tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm y tế trong thẻ căn cước gắn chip, tổ chức triển khai tại 252 cơ sở khám chữa bệnh với 1.911.166 lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước… Ngoài ra, các nhiệm vụ của đề án được ứng dụng trong các lĩnh vực ngân hàng, giao thông, thuế, quản lý Nhà nước...
Trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho 86.163/105.554 đối tượng, đạt tỷ lệ 81,3%, vượt chỉ tiêu Tổ công tác giao trong cả năm 2024. Đến ngày 10/6/2024, Công an tỉnh đã thu nhận 1.171.281 hồ sơ cấp căn cước trên tổng số 1.214.010 công dân trong độ tuổi (đạt 96,5%); thu nhận cấp tài khoản định danh điện tử được 1.104.782 hồ sơ, tuyên truyền kích hoạt đối với 926.931 tài khoản 2 mức.
Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư đảm bảo, an ninh, an toàn và xây dựng, phê duyệt hồ sơ cấp độ an toàn thông tin; triển khai các mô hình điểm về Đề án 06 trên địa bàn... đạt kết quả tốt.
Tại hội nghị, đại biểu đã đóng góp ý kiến, nhìn nhận hạn chế trong quá trình thực hiện và đề xuất các giải pháp thực hiện hiệu quả đề án trong thời gian tới.
Đề hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ về Đề án 06, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, nhất là tháo gỡ các "điểm nghẽn”; tập trung triển khai, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; triển khai rộng rãi việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ căn cước; tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các Dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng VNeID, thanh toán không dùng tiền mặt...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại, nhất là liên quan đến Hệ thống Dịch vụ công tỉnh, đảm bảo kết nối, chia sẻ đồng bộ với cổng Dịch vụ công quốc gia. Triển khai, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, nhất là 53 dịch vụ công thiết yếu đã được xác định.
Đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình TTHC để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân. Tập trung rà soát, đẩy nhanh hoàn thành việc thu thập, cập nhật làm sạch cơ sở dữ liệu chuyên ngành để phục vụ kết nối, chia sẻ làm giàu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Xác định năm 2024 là điểm sáng trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, các địa phương cần bám sát chỉ tiêu được giao đối với các lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội, thuế. Chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo để tổ chức triển khai thi hành Luật Căn cước năm 2023. Đồng thời, thực hiện hiệu quả việc kết nối, chia sẻ dữ liệu nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy thương mại điện tử nói riêng và phát triển KT-XH nói chung, mang lại lợi ích cụ thể, thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.