Bộ đội ta tiến vào thành nội Huế, Tết Mậu Thân, ngày 2/2/1968 (ảnh Internet)
Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến, sinh năm 1940 tại quê hương Bến Tre đồng khởi. Năm 1954, anh là một trong những học sinh từ miền Nam ra tập kết miền Bắc. Năm 1962, anh tốt nghiệp Khoa Sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Là sinh viên xuất sắc, anh được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy. Năm 1964, được nhà trường gửi đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài nhưng anh đã từ chối niềm vinh hạnh này, chọn cho mình con đường gian khổ nhất: khoác ba lô, vượt Trường Sơn đi cứu nước.
Nhà thơ Lê Anh Xuân hy sinh trong đợt Tổng tấn công mùa xuân Mậu Thân năm 1968 (ảnh internet).
Anh là một nhà thơ vừa cầm súng, vừa cầm bút, đã anh dũng hy sinh tại vùng ven Sài Gòn trong đợt Tổng tấn công mùa xuân Mậu Thân năm 1968, khi mới 28 tuổi. Tuy tuổi xuân của anh ngắn ngủi, nhưng Lê Anh Xuân vẫn sống mãi trong lòng Nhân dân Việt Nam. Anh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Trở lại sự nghiệp cầm bút của anh, vốn xuất thân trong một gia đình trí thức, nên từ nhỏ, Lê Anh Xuân đã được nuôi dưỡng nhân cách văn hóa. Vốn có tư chất thông minh, ham học hỏi, ham khám phá và có năng khiếu thơ từ nhỏ nên anh đã sớm bộc lộ tài năng qua từng trang viết.
Nhiều người đọc thơ Lê Anh Xuân, đều có nhận xét rằng: Thơ Lê Anh Xuân đầy chất thép nhưng trong chất thép ấy lại toát lên nồng nàn tình yêu con người, tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc da diết.
Thơ Lê Anh Xuân đầy chất thép nhưng trong chất thép ấy lại toát lên nồng nàn tình yêu con người, tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc da diết (ảnh Internet).
Nhắc tới Lê Anh Xuân, chắc hẳn nhiều người không quên bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”:
Anh tên gì hỡi anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong.
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng anh
trước lúc lên đường
Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân
Tên anh đã thành tên đất nước.
Nhà thơ Giang Nam đã từng tâm sự với bè bạn: “Lê Anh Xuân là người dễ xúc động và chính sự xúc động ấy đã hình thành cho anh một tứ thơ trong đầu. Trường hợp bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” là một ví dụ. Tôi nhớ đêm đó là một đêm cuối tháng 3/1968, tôi được cấp trên cử đi nói chuyện thời sự cho anh em giới văn nghệ nghe về cuộc Tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân năm 1968. Khi tôi kể về trận đánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, có một chiến sĩ giải phóng quân khi hy sinh người vẫn đứng thẳng, lưng tựa vào chiếc máy bay trực thăng, hai tay cầm súng giương lên sẵn sàng nhả đạn... Lúc đó, Lê Anh Xuân ngồi ở hàng ghế đầu đã khóc rưng rức. Đêm ấy, anh thức thâu đêm, để bài thơ “Dáng đứng Việt Nam ra đời”.
Vào năm 1972, chúng tôi đã chuyền tay nhau đọc rồi chép vào sổ tay những bài thơ hay trong tập “Hoa Dừa”. Biết bao người lính trẻ trên đường ra mặt trận thời ấy có tập thơ “Hoa dừa” trong chiếc ba lô theo suốt cuộc hành quân.
Phải yêu da diết quê hương, suốt đời mang nặng tình đất, tình người quê hương mới có những bài thơ đọng lại trong trái tim người đọc về một vùng quê Bến Tre đồng khởi. (ảnh Internet).
Phải yêu da diết quê hương, suốt đời mang nặng tình đất, tình người quê hương mới có những bài thơ đọng lại trong trái tim người đọc về một vùng quê Bến Tre đồng khởi. Một vùng quê hữu tình, khi những hàng dừa xanh, như mái tóc xanh dài của người con gái soi bóng xuống dòng kênh xanh. Nhưng đằng sau vẻ đẹp lãng mạn ấy, cây dừa Bến Tre là biểu tượng của Nhân dân Bến Tre hiên ngang, bất khuất. Cây dừa mang hơi thở cha ông bốn nghìn năm dựng và giữ nước:
Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi
Mà lá tươi xanh mãi đến giờ
Tôi nghe gió ngàn xưa đang gọi
Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm khua.
Người Bến Tre mang khí phách anh hùng dân tộc, như “rễ dừa bám sâu vào lòng đất” để đưa dừa “Theo đoàn quân thành lá ngụy trang”. Dẫu mưa bom bão đạn, dẫu công sự giăng như lũy như thành, nhưng cây dừa vẫn xanh tươi, khi sự sống hồi sinh:
Đất quê hương nát bầm vết đạn
Đã nuôi dừa năm tháng xanh tươi
Ôi có phải dừa hút bao cay đắng
Để trổ ra những trái ngọt cho đời
Tôi nghĩ nhiều năm nữa đi qua, bài thơ “Dừa ơi” trong tập “Hoa dừa” của nhà thơ Lê Anh Xuân sẽ trở thành những dòng sử thi mang dấu ấn sâu đậm về đất và người Bến Tre trong cuộc chiến tranh chống Mỹ đầy gian lao mà vô cùng anh dũng.
Nhà thơ Lê Anh Xuân (bìa trái), chị Loan - vợ nhà văn Anh Đức và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tại Hà Nội năm 1964. Ảnh: Tư liệu
Con người nếu không có tình yêu quê hương thì không có tình yêu Tổ quốc. Con người càng giàu tình yêu quê hương bao nhiêu, càng giàu tình yêu Tổ quốc bấy nhiêu. Tình yêu quê hương và tình yêu Tổ quốc đã thấm đẫm trong thơ anh. Khi Lê Anh Xuân rời quê hương, anh nhớ Bến Tre và nhớ đồng bằng sông Cửu Long da diết, nhưng khi anh rời Thủ đô Hà Nội lại nhớ miền Bắc đến nao lòng:
Nhớ những chiều nhìn về phương Bắc
Thấy xa xa đàn cò trắng bay về
Tôi ngỡ trên lưng cò có chút bùn miền Bắc
Dù cánh cò chẳng bay tới ngoài kia
Qua bài thơ “Gửi miền Bắc”, có thể hiểu được tâm trạng của anh, mỗi lần mở “Đài Tiếng nói Việt Nam” là trái tim anh lại đập vội. Bởi xa cách ngàn trùng, anh rất khao khát được đón nhận hơi thở cuộc sống hằng ngày của Nhân dân miền Bắc. Anh nhớ cái rét miền Bắc thấu da, thấu thịt và thấy thương khi bà con xuống đồng cày cấy. Lê Anh Xuân đã bộc lộ lòng mình “Tôi đau đớn Mỹ dội bom tàn phá/ Tất cả những gì tôi quý tôi yêu”. Nhà thơ không chỉ trải lòng mình với ruộng đồng, xưởng máy, vỉa than đen ở hậu phương miền Bắc, anh còn mang nỗi nhớ hoài cổ của mình đến với Đèo Ngang, dầu anh chưa được đặt chân tới, nhưng “Thơ Bà Huyện Thanh Quan tôi đã thuộc lòng”.
Đọc thơ Lê Anh Xuân, người đọc cảm nhận được đằng sau ngồn ngộn hình ảnh và âm thanh cuộc sống, anh biết lựa chọn những chi tiết “đắt nhất” để đưa vào thơ. Anh đã dùng lối “đòn bẩy” để khái quát điều mình gửi gắm qua thơ thành ý chí, thành hành động của hàng triệu người:
Cả hai miền cùng một ngôi sao đỏ
Cùng ánh trăng soi ngọn súng trường
Hố bom trong này giống hố bom ngoài ấy
Cả hai miền cùng một kẻ thù chung.
Khi bàn luận về thơ, nhà thơ Sóng Hồng đã từng nhận định: “Thơ là nghệ thuật cao quý tinh vi” và trong văn học hiện thực XHCN “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp”. Nhà thơ Lê Anh Xuân đã đạt được đỉnh cao cả 2 phương diện về tư tưởng và nghệ thuật.
Với niềm đam mê thơ cháy bỏng và sự lao động nghiêm túc trong môi trường gian khổ, ác liệt nhất, Lê Anh Xuân dầu “chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường” nhưng để nhiều bài thơ hay đi cùng năm tháng. Tôi tin rằng, với thế hệ trẻ hôm nay, thơ Lê Anh Xuân vẫn là lời gửi gắm thiêng liêng về tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc và lý tưởng sống của thanh niên trong mọi thời đại.