Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Khê đã chủ động xây dựng chi tiết các phương án để bảo vệ hơn 23.000 ha rừng phòng hộ và 800 ha rừng sản xuất trong mùa khô. Ảnh chụp ngày 7/5/2020
Ông Nguyễn Thượng Hải - Trưởng BQL Rừng phòng hộ Hương Khê cho biết: Việc quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) luôn là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu. Đơn vị cũng đã xác định, có 6 vùng nguy cơ bị xâm hại cao về khai thác, tập kết, vận chuyển lâm sản và 4 vùng có nguy cơ dễ cháy, sẻ phát, lấn chiếm trái phép.
Vì vậy, các phương án bảo vệ rừng, PCCCR năm 2020 được đơn vị xây dựng rất cụ thể, chi tiết và phù hợp với tình hình địa phương.
Công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng trong Nhân dân có vai trò quan trọng. Ảnh chụp ngày 7/5/2020
“Ban đã thành lập 1 tổ bảo vệ rừng cơ động và PCCCR gồm 6 lực lượng; duy trì hoạt động của 9 tổ đội xung kích ở 9 trạm bảo vệ rừng.
Trong những ngày thời tiết khô hanh, đơn vị đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên thực hiện chế độ thường trực 24/24 giờ để kiểm tra các khu rừng trọng điểm, kiểm soát nghiêm nguồn lửa vào rừng” – ông Hải cho biết thêm.
Đơn vị huy động lực lượng sẻ phát thực bì (tháng 2/2020)
Gần tháng nay, đơn vị cũng đã huy động lực lượng cùng với bà con nhân dân các địa phương ra quân xử lý thực bì và làm mới được 3,6 km đường băng cản lửa tại các vùng trọng điểm, có nguy cơ xẩy ra cháy rừng cao ở địa bàn các xã: Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Vĩnh...
Lực lượng các trạm bảo vệ rừng tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng và người dân trên địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về cháy rừng.
Đến thời điểm này, đơn vị phối hợp với các địa phương vận động được 240 hộ dân ở cạnh bìa rừng ký cam kết bảo vệ và phòng chống cháy rừng.
Gia đình ông Đặng Văn Nghê (thôn 1, xã Phúc Trạch) hiện đang quản lý bảo vệ gần 15 ha rừng. Ngay từ đầu mùa khô, cán bộ Trạm Bảo vệ rừng Rào Rồng (Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Khê) đã đến tận nhà để tuyên truyền, vận động ký cam kết về trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR.
Ông Nghê cho biết: “Số diện tích đất rừng được Nhà nước giao trên, ông trồng keo và cao su nên mang lại thu nhập cao, bền vững. Rừng là tài sản quý giá, mang lại thu nhập cho gia đình nên ông luôn có ý thức trong việc quản lý và bảo vệ, nhất là vào mùa khô”.
Bảo vệ, phòng chống cháy rừng trong mùa nắng nóng là trách nhiệm của toàn dân. Ảnh chụp tháng 3/2020
Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Khê chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Qua đó, đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua sắm các trang thiết bị, dụng cụ, công cụ phục vụ bảo vệ rừng, PCCCR.
Đây là những biện pháp quan trọng nhằm chủ động trước nguy cơ “bà hỏa ghé thăm", đảm bảo an toàn cho hơn 31.200 ha rừng trong mùa khô năm nay.
Ứng phó hiệu quả với cháy rừng trước hết phải làm tốt công tác phòng, chống. Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị chữa cháy, tổ chức tuần tra, canh gác 24/24 giờ, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân để kiềm chế đến mức thấp nhất nguy cơ bùng phát lửa rừng. Cũng chính vì thế, hiện tượng cháy rừng đã và đang được kiểm soát tốt; năm 2019, trên diện tích rừng do đơn vị quản lý không xảy ra vụ cháy lớn nào.