Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Hà Tĩnh chú trọng đầu tư về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phương tiện thực hành, bãi tập…
Chiều qua (21/1), một vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra khi một chiếc xe tải do tài xế Lương Văn Tâm (28 tuổi, quê Cao Bằng) điều khiển đã lao vào đám đông đang đi bộ ven QL5, đoạn qua xã Kim Lương (huyện Kim Thành, Hải Dương) khiến 8 người chết, 7 người bị thương. Kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy, tài xế Tâm dương tính với ma túy.
Trước đó, chiều 2/1, xe đầu kéo khi đến ngã tư Bình Nhựt, đoạn gần cầu Bến Lức, tỉnh Long An đã bất ngờ tông hàng loạt xe máy dừng đèn đỏ phía trước làm 6 người chết và hàng chục người bị thương. Kết quả xét nghiệm cho thấy, tài xế điều khiển xe đầu kéo cũng dương tính với ma túy.
2 vụ tai nạn giao thông thảm khốc vào tháng đầu tiên của năm 2019 một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về kỹ năng, đạo đức người lái xe và trách nhiệm của cơ quan quản lý ATGT cũng như các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trong việc đào tạo, sát hạch.
Vụ tai nạn giao thông thảm khốc xẩy ra vào chiều 21/1 tại huyện Kim Thành (Hải Dương) khiến 8 người chết, 7 người bị thương. Ảnh Zing.vn
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2018, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 18.763 vụ TNGT, làm chết 8.248 người, bị thương 1.802 người. Đối với Hà Tĩnh, mặc dù số vụ tai nạn, số người chết giảm hơn so với 2017 nhưng trong năm cũng đã xảy ra 137 vụ TNGT, làm chết 123 người, bị thương 74 người.
Theo phân tích của cơ quan chức năng, trong số các vụ TNGT có tới hơn 70% là do nguyên nhân chủ quan của người điều khiển phương tiện hoặc người tham gia giao thông. Do đó, việc nâng cao nhận thức, làm thay đổi hành vi đối với người điều khiển phương tiện là trách nhiệm của các trung tâm đào tạo lái xe ngay từ bài học “vỡ lòng”. Theo quy định tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, môn đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông trong đào tạo lái xe từ 14-20 giờ.
Ông Ngô Thân - Giám đốc Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Hà Tĩnh cho biết, qua gần 10 năm đi vào hoạt động, bên cạnh chú trọng đầu tư về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phương tiện thực hành, bãi tập… trung tâm luôn chú trọng giảng dạy về đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông.
Việc giảng dạy đạo đức lái xe được thực hiện bằng hình thức tập trung tại lớp và trong quá trình chạy thực hành trên đường giữa thầy và học viên. Qua đó, kết hợp phổ biến kịp thời các quy định Luật Giao thông đường bộ và những quy định mới liên quan lĩnh vực giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông đối với người lái xe, để các học viên nắm và chấp hành đúng quy định khi tham gia giao thông an toàn...
Vụ tai nạn xảy ra vào chiều 8/8/2018, tại km 676 đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) làm 2 người chết, 1 người bị thương nặng. Nguyên nhân được xác định do lái xe không làm chủ tốc độ.
Cũng theo ông Thân, ngoài việc tăng thời lượng đào tạo về kỹ năng, đạo đức người lái xe, trung tâm và cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh thực hiện rất nghiêm ngặt việc sát hạch thi giấy phép lái xe.
“Hà Tĩnh là địa phương nổi tiếng “nghiêm” trong sát hạch thi lấy giấp phép lái xe. Bình quân tỷ lệ học viên thi đạt qua các kỳ sát hạch chỉ 70 – 75%. Đây là con số khá thấp so với nhiều địa phương trong cả nước. Nhiều học viên phải thi lại lần 2, lần 3 mới đạt” – ông Thân cho hay.
Anh Lê Quang Thọ ở Hương Sơn có hơn 10 năm kinh nghiệm lái xe chia sẻ: “Lái xe đường dài có nhiều tình huống nguy hiểm xảy ra, nếu không xử lý kịp thời hoặc đạo đức của người lái xe bị xem nhẹ thì rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tôi nghĩ, ngoài tay nghề, kinh nghiệm cầm lái, người lái xe khi tham gia giao thông phải biết ứng xử văn hóa, đúng luật và luôn có ý thức trách nhiệm với bản thân và mọi người xung quanh.”
Để có đạo đức nghề nghiệp, người lái xe phải qua quá trình rèn luyện, thử thách. Bản thân người lái xe ngoài việc thường xuyên phải tự học, tự nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình với xã hội, cần hiểu rõ các quy định của pháp luật, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Nhằm góp phần giảm thiểu các vụ TNGT, các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, ngoài việc cung cấp đầy đủ kiến thức, kỹ thuật trên lý thuyết, thực hành, còn phải chú trọng giáp dục, nâng cao đạo đức cho các học viên.
Bên cạnh đầu tư cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ lớn nhất Bắc miền Trung, Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh cũng chú trọng về đào tạo kỹ năng, đạo đức người lái xe
Việc bố trí đủ tiết học môn đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông cũng được Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh – đơn vị có chức năng đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ lớn nhất Bắc miền Trung quan tâm, đảm bảo theo chương trình đào tạo theo quy định.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Ngọc – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh, việc học môn đạo đức lái xe và văn hóa giao thông theo giáo trình tại các cơ sở đào tạo lái xe với thời gian ít ỏi chỉ mới đủ “nhắc nhở” thêm. Điều quan trọng là phải hình thành được đạo đức, văn hóa giao thông từ trong mỗi con người. Muốn vậy, môn học này phải được đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa từ các bậc học phổ thông.
Trên góc độ cơ quản quản lý nhà nước, ông Nguyễn Việt Thắng - Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Tĩnh cho biết, những năm qua, sở thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở đào tạo, sát hạch thực hiện nghiêm các quy định về đào tạo, sát hạch lái xe, đặc biệt là tăng cường giáo dục kỹ năng, văn hóa giao thông cho người lái xe. Bên cạnh đó, sở cũng thường xuyên tập huấn, tuyên truyền cho các doanh nghiệp vận tải trong tuyển dụng lái xe đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Cũng theo đề xuất của ông Thắng, bên cạnh tăng cường giáo dục kỹ năng, văn hóa giao thông cho người lái xe, cần đổi mới một số nội dung thi sát hạch như: Bổ sung thêm nhiều điều kiện sa hình khác nhau, có độ phức tạp hơn. Đặc biệt, cần nâng cao chế tài xử phạt đối với các hành vi sử dụng bia, rượu, chất kích thích, ma túy... khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.