Liệu quân đội Nga có đủ sức đánh thắng nếu thiếu lính nghĩa vụ?

Nga đang hiện đại hóa quân đội theo hướng nhà nghề. Nếu thiếu vắng lính nghĩa vụ, quân đội Nga liệu còn đủ sức giành chiến thắng trên chiến trường?

Nếu không còn dựa vào lực lượng dự bị thì để đạt mục tiêu giành chiến thắng trong chiến tranh, quân đội Nga sẽ cần tuyển thêm 300.000 lính hợp đồng nữa.

Liệu quân đội Nga có đủ sức đánh thắng nếu thiếu lính nghĩa vụ?

Quân nhân Nga. Ảnh: Hãng tin Moskva.

Xu hướng chuyên nghiệp hóa quân đội

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu hồi giữa tháng 4: “Chế độ quân dịch đang dần trở thành chuyện của quá khứ”. Công chúng Nga giờ bắt đầu nói nhiều về việc được mong đợi từ lâu, đó là việc bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới.

Người đứng đầu nhà nước Nga chỉ ra rằng các lực lượng vũ trang đang sử dụng ngày càng tăng các thiết bị quân sự tiên tiến và phức tạp mà chỉ có những người chuyên nghiệp mới vận hành được. Việc đào tạo các chuyên viên vận hành này đòi hỏi thời gian kéo dài hơn một năm. Trong khi đó thanh niên Nga chỉ mất một năm để thực hiện nghĩa vụ quân sự đối với Tổ quốc.

Kể từ cuối thập niên 2000, Nga đã tiến hành chương trình hiện đại hóa quân đội. Theo đó, khoảng 22.500 tỷ rouble (tương đương 350 tỷ USD theo thời giá ngày nay) đã được phân bổ cho việc mua các trang thiết bị quân sự mới. Hiện tại các vũ khí khí tài hiện đại đã chiếm tới 68% tổng trang thiết bị quân sự của quân đội Nga. Đây là một con số khá lớn nếu tính đến một đội quân hơn 1 triệu người và diện tích đất nước cần bảo vệ là 17 triệu km2.

Tiêu chuẩn để được làm quân nhân hợp đồng

Hiện nay có khoảng 384.000 quân nhân hợp đồng đang phục vụ trong quân đội Nga. Con số này do Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga đưa ra vào cuối năm 2018. Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã đặt ra nhiệm vụ nâng số lượng binh sĩ này lên con số 475.000 vào năm 2025. Số còn lại là sĩ quan và lính nghĩa vụ.

Liệu quân đội Nga có đủ sức đánh thắng nếu thiếu lính nghĩa vụ?

Sử dụng thiết bị quân sự hiện đại. Ảnh: Sputnik.

Tiêu chuẩn đặt ra cho binh sĩ hợp đồng được quy định trong Luật Nghĩa vụ Quân sự của Nga. Theo đó, một ứng viên phải đáp ứng các đòi hỏi về y tế đặt ra cho quân chủng mà họ lựa chọn, cũng như các tiêu chuẩn sức khỏe cụ thể (như độ nhanh, dẻo dai, mạnh mẽ).

Trần tuổi là 40. Họ phải có bằng phổ thông và đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Ngoài ra họ không được vướng án tích chưa xóa.

Nếu thỏa mãn tất cả các yêu cầu trên, nam giới Nga được hoan nghênh gia nhập quân đội ở cấp bậc binh nhì với mức lương khoảng 30.000 rouble (tương đương khoảng 500 USD) mỗi tháng.

Lương dành cho quân nhân chuyên nghiệp phụ thuộc vào khu vực, điều kiện phục vụ cũng như vị trí đảm nhiệm.

Đãi ngộ dành cho lính hợp đồng và trách nhiệm của họ

Một người ký hợp đồng với nhà nước Nga để làm quân nhân sẽ có địa vị pháp lý hoàn toàn khác so với một lính nghĩa vụ - người buộc phải dành trọn một năm trong đời mình để bảo vệ Tổ quốc.

Trên thực tế, lính hợp đồng hưởng quyền lợi tương tự như sĩ quan. Họ có giờ làm việc được xác định rõ. Họ có quyền sống trong một căn hộ thay vì trong trại lính. Họ có thể tự do ra vào doanh trại.

Liệu quân đội Nga có đủ sức đánh thắng nếu thiếu lính nghĩa vụ?

Lính Nga. Ảnh: TASS.

Bên cạnh đó, lính hợp đồng được trả lương hai lần trong tháng, không bị trì hoãn. Họ có hợp đồng ổn định và không phải lo lắng về ngày mai, về mức độ ổn định công việc.

Tuy nhiên ngoài những lợi thế này, họ cũng có một số bất lợi. Làm lính hợp đồng không giống như làm các nghề bình thường khác. Bạn không thể nói với sếp là “Không, tôi không thích làm cái này đâu” hoặc quyết định nhảy việc chỉ vì đã thấy chán. Khái niệm “phục vụ” ở đây không có nghĩa là tự do hoàn toàn, muốn làm gì thì làm. Khi chỉ huy ra lệnh xung phong, bạn sẽ phải xông ra khỏi chiến hào dưới hỏa lực súng máy của địch và tấn công vào quân thù. Không được phép thắc mắc.

Những ai lười nhác, phóng túng, hoặc bướng bỉnh nếu bất tuân thượng cấp hoặc vi phạm điều lệnh quân sự thì sẽ bị gửi tới một tiểu đoàn quân pháp nào đó để “cải tạo” – nơi đây giống một dạng nhà giam với những quy tắc tương tự như một nhà tù thông thường.

Những việc huấn luyện về mặt thể chất và tâm lý như trên là cần thiết phòng khi nổ ra chiến tranh hoặc một dạng khủng hoảng nào đó.

Tuy nhiên trước mắt Nga vẫn phải duy trì song song chế độ nghĩa vụ. Lính nghĩa vụ vẫn là lực lượng dự bị chính cho quân đội Nga trong trường hợp nổ ra chiến tranh. Lực lượng này được huấn luyện cả về thể chất và tâm lý để phục vụ trong môi trường quân đội. Họ biết cách bắn súng, vận hành trang thiết bị (tất nhiên về trình độ, họ có thể không bằng quân nhân chuyên nghiệp, người đã có nhiều năm trong quân ngũ). Điều quan trọng là họ hiểu thế nào là kỷ luật quân đội và mệnh lệnh quân sự.

Nga hiện chưa đủ khả năng để có một quân đội nhà nghề hoàn toàn mà sẽ phấn đấu dần dần để đạt được điều đó./.

Theo VOV

Đọc thêm

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Nguyễn Hoà Bình vừa gửi thư khen Công an huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh về thành tích xuất sắc triệt phá thành công đường dây buôn bán hơn 6.000 điện thoại di động giả. Trong thư Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình viết:
Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh triển khai công tác phòng, chống bão số 6

Trước diễn biến phức tạp của bão số 6, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác chuẩn bị ứng phó, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

“Mẹ đỡ đầu” của trẻ em không may mắn

Mô hình “Mẹ đỡ đầu” đối với những trẻ em mồ côi của Hội Phụ nữ Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh đã góp phần giúp các cháu vơi bớt khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.