Chỉ động tác đơn giản như lấy đồ dùng học tập ra và làm theo hướng dẫn, thế nhưng cô Trần Thị Kim Chi phải mất rất nhiều ngày để hướng dẫn cho các em bị thiểu năng trí tuệ thành thục động tác.
Những lớp học với nhiều độ tuổi khác nhau nhưng các em đều có chung một nỗi đau về thể xác và tinh thần đó là: thiểu năng trí tuệ, khiếm thính, khiếm thị, dị tật…. Có em bị down, có em tăng động, có em đang học bỗng lên cơn động kinh co giật…
Giờ học của cô Trần Thị Kim Chi - phụ trách lớp dự bị thiểu năng trí tuệ 1B khởi đầu bằng sự ồn ào xen lẫn với những giọng nói ngọng líu của học sinh. Mãi mới ổn định trật tự và giờ học được bắt đầu.
Giáo viên đưa ra một phần việc, thực hành việc làm ấy và cuối cùng cũng đã có một số cánh tay giơ lên xung phong làm lại những hoạt động của cô giáo.
Lớp học dành cho các em bị tự kỷ của cô giáo Nguyễn Thị Uy.
Cô Chi cho biết: “Để giúp học sinh có thể cầm nắm được đồ vật, có thể ngồi nghiêm túc hay đơn giản chỉ là nhớ tên một ký hiệu, một con chữ … có khi giáo viên phải mất từ 1 đến 2 tuần”.
Sau mỗi động tác làm đúng, cô Uy thường động viên, khích lệ các em.
“Việc ổn định trật tự lớp học trở thành một thử thách khi học sinh cứ như “bắt cóc bỏ đĩa” vậy. Dạy học ở nơi đây, yếu tố đầu tiên mà giáo viên phải có đó là tấm lòng yêu thương và sự kiên nhẫn”, cô Kim Chi chia sẻ thêm.
Chính tình thương và sự kiên trì áp dụng phương pháp giáo dục hiện đại, phù hợp đã giúp nhiều em bị bệnh tự kỷ làm chủ được hành vi...
Chương trình lớp dự bị thiểu năng trí tuệ được trung tâm áp dụng cách đây 2 năm. Lớp dự bị để rèn cho các em làm quen ý thức tự giác học tập. Giáo viên mất 1 năm để rèn luyện các em những công việc đơn giản như: lấy và thu dọn đồ dùng học tập, đồ chơi; cách chào hỏi, xưng hô và giao tiếp với các bạn và cô giáo.
Nhiều em tiến triển tích cực để hòa nhập cộng đồng
Ở bên cạnh, lớp học dành cho những học sinh tự kỷ của cô giáo Nguyễn Thị Uy cũng đang hào hứng bởi giờ học xem tranh để phân biệt những con vật.
Cô Uy chia sẻ: "Đây là những học sinh có hành vi nên khó khăn nhất là việc kiểm soát hành vi của các em. Có em đang học tự nhiên cười hay khóc, chạy lung tung phá phách, và hầu như các em không hợp tác với giáo viên. Ngày đầu tham gia dạy các em, tôi cũng nản lòng. Nhưng rồi, vì tình thương, trách nhiệm, tôi đã cố gắng đồng hành với sự tiến bộ mỗi ngày của các em”.
Từ những em khiếm thính, không biết đọc, biết viết, sau một thời gian học tập tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ở Hồng Lĩnh đã biết viết chữ.
Cũng như các giáo viên khác của trung tâm, cô Uy cũng đã dành cho mỗi em một quyển sổ ghi chép lại từng hoạt động, hành vi của cháu trong mỗi ngày để tiện việc theo dõi. Từ đó, tùy theo khả năng của mỗi em mà cô Uy tự đặt một mục tiêu riêng. Có em mục tiêu trong tháng đầu tiên có thể là kỹ năng giao tiếp, có em cô chỉ mong giữ được trật tự và biết ngồi yên lặng…
Để mỗi em bị bệnh tự kỷ tự làm tốt phần việc của mình thích là cả một quá trình gian nan, kiên trì của giáo viên ở trung tâm
Lòng nhiệt huyết của cô Uy và các giáo viên khác trong từng giờ dạy đã giúp nhiều em có sự tiến bộ rõ rệt.
Đó là em Đức D. (4 tuổi) khi vào trung tâm chưa có ngôn ngữ thì sau 5 tháng học, em đã giao lưu với cô, đã bắt đầu nói được. Hay em Sỹ B. (6 tuổi) khi vào trung tâm cháu có vấn đề về cơ miệng, tạy chân không cầm nắm được thì nay em đã viết được chữ, đã biết giúp cô phơi khăn, xếp ghế, trải thảm…
Đối với những em không có khả năng học văn hóa thì giáo viên trung tâm hướng dẫn, dạy những thao tác thường ngày để các em hòa nhập cộng động, tự phục vụ bản thân sau này
Còn trường hợp em Minh Kh. (9 tuổi) chỉ biết nói, biết đọc nhưng không hiểu nghĩa, không biết cầm bút thì nay đã đọc thông, viết thạo, đã hiểu được nghĩa của từ… Tất cả những tiến bộ dù nhỏ của các cháu cũng là món quà quý giá nhất về những tháng ngày miệt mài của các giáo viên ở trung tâm trong hành trình giúp các em hòa nhập cộng đồng.
Cháu nhà tôi khiếm thính, không nói, không nghe được, tất cả mọi hành vi đều phụ thuộc vào bố mẹ. Nhưng chỉ sau 1 năm học tập ở trung tâm, con tôi đã biết chữ và nói bập bẹ, cháu còn có thể tự vệ sinh cá nhân
Giờ học môn Toán của lớp ghép 6 và 7 của các em khuyết tật
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Để dạy trẻ hòa nhập, thời gian qua, chúng tôi đã gửi giáo viên đi đào tạo các lớp giáo dục đặc biệt của giảng viên ở Mỹ. Giáo trình dạy trẻ ở đây được thực hiện linh động theo từng đối tượng và chủ yếu áp dụng theo phương pháp Montessori - phương pháp dạy học tôn trọng sự phát triển tâm sinh lý tự nhiên của trẻ, cho phép trẻ phát triển tuỳ theo những khả năng và thời gian riêng của mình”.
Từ hành trình miệt mài của các xơ trong việc kêu gọi nguồn mua sắm trang thiết bị dạy học, sự tận tâm của các cô giáo với những lớp học đặc biệt theo chương trình 2 năm một lớp, qua 5 năm thực hiện việc chăm sóc, giáo dục trẻ, trung tâm đã giúp hàng chục em khiếm khuyết hòa nhập cộng đồng. Riêng năm 2019, trung tâm đã giúp 9 học sinh hòa nhập.
Trung tâm Hỗ trợ phát triển, giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật Hồng Lĩnh trực thuộc Toà giám mục Giáo phận Hà Tĩnh quản lý; được cấp phép năm 2013 và chính thức hoạt động vào tháng 10/2015. Từ 20 cháu đầu tiên, đến nay, trung tâm đang dạy hơn 120 trẻ khuyết tật với sự quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng của 9 xơ và 23 giáo viên, nhân viên. |