Ông Thái Sinh - Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh: Quan tâm đầu tư nguồn lực thực hiện các chủ trương, chính sách về người cao tuổi.
Cả nước hiện có trên 16 triệu người cao tuổi (chiếm 16% dân số); trong đó, Hà Tĩnh có gần 242.000 cụ (chiếm 18,6% dân số), sinh hoạt tại 216 hội cơ sở, 1.934 chi hội. Người cao tuổi cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng được thụ hưởng nhiều chế độ, chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước, của địa phương. Nổi bật là các chính sách như: trợ cấp xã hội hằng tháng; hỗ trợ BHYT; ưu tiên khám chữa bệnh; chúc thọ, mừng thọ; tổ chức tang lễ và mai táng…
Những chính sách này đã giúp người cao tuổi được nuôi dưỡng, chăm sóc một cách toàn diện về thể chất, tinh thần; góp phần giúp họ sống vui khỏe, phát huy được vai trò trong việc giáo dục thế hệ con cháu, gìn giữ văn hóa truyền thống, xây dựng và phát triển kinh tế.
Bên cạnh triển khai nghiêm túc Luật Người cao tuổi thì việc xây dựng, ban hành quyết định phê duyệt “Chương trình Hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030” là một trong những sự chủ động của Chính phủ trong việc thích ứng với thực trạng già hóa dân số hiện nay.
Để chủ động đối mặt với thực trạng già hóa dân số, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định nhằm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi.
Cùng đó, cần quan tâm xây dựng “Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi”; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các chương trình, đề án về người cao tuổi; có chính sách khuyến khích thành lập và nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau tại các cộng đồng dân cư… nhằm nâng cao vai trò của người cao tuổi trong đời sống xã hội.
Ông Trần Viết Tới - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội Hà Tĩnh: Phát triển các mô hình chăm sóc, bảo trợ người cao tuổi là xu hướng của cuộc sống hiện đại.
Trong thực tế già hóa dân số hiện nay, xu hướng đưa người già vào chăm sóc ở các trung tâm điều dưỡng, viện dưỡng lão, tạo cho các cụ có không gian bầu bạn với thiên nhiên, kết giao với bạn đồng niên… đang là giải pháp thích ứng hiệu quả.
Với sự thay đổi nhận thức về hoạt động bảo trợ xã hội cho người già, ngày càng nhiều gia đình lựa chọn Trung tâm Điều dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh (trung tâm) làm nơi an dưỡng cho ông bà, cha mẹ, người thân của mình. Đáp ứng nhu cầu đó, những năm qua, trung tâm cũng đã có nhiều thay đổi trong mô hình hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Trung tâm đã xây dựng kế hoạch hoạt động một cách bài bản; đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế, bảo trợ xã hội có đủ năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; luôn xác định phương châm làm việc song hành chu đáo nhiệm vụ nuôi dưỡng về thể chất và chăm sóc về y tế, tinh thần cho các cụ.
Hiện, trung tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc hơn 130 cụ cao tuổi thuộc các đối tượng. Mỗi một cụ vào với trung tâm có hoàn cảnh, tính cách khác nhau nhưng đều có chung nhu cầu được quan tâm, yêu thương, được sống vui khỏe tuổi già. Và thực tế cho thấy, nhiều cụ sau khi vào sinh hoạt ở trung tâm, đời sống tinh thần trở nên rất tốt. Các cụ nhanh nhẹn, vui vẻ và sức khỏe được cải thiện nhiều.
Đáng mừng là hiện nay, dự án xây dựng khu chăm sóc người cao tuổi và đối tượng xã hội do Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup tài trợ sắp được khởi công. Dự án có tổng kinh phí 70 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 3,1 ha. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong vài năm tới. Đây là một trong những tín hiệu tích cực, góp phần đẩy mạnh các mô hình chăm sóc, bảo trợ xã hội người cao tuổi một cách chuyên nghiệp tại địa phương trong tương lai gần.
Ông Thân Văn Huấn (67 tuổi, trú thôn Khe Giao 2, xã Ngọc Sơn, Thạch Hà): Chủ động thích ứng với tuổi già.
Trước đây, khi còn ở trong quân ngũ, tôi rất sợ tuổi già. Tôi cứ hình dung về giai đoạn nghỉ chế độ, trở về trong tình trạng sức khỏe yếu, trở thành gánh nặng cho người thân. Thế nhưng, thật may mắn, sau khi xuất ngũ về quê hương (1982), tôi đã có cơ hội tham gia các công tác tại địa phương.
Trong quá trình này, tôi đã được tiếp nhận rất nhiều kiến thức về xã hội, được gặp gỡ, trao đổi với rất nhiều người, trong đó có nhiều người cao tuổi. Nhìn thấy họ khỏe mạnh, tích cực tham gia công tác xã hội, tôi đã vơi đi nỗi sợ từ ngày xưa và bắt đầu học hỏi họ, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi tuổi già đến.
Khi còn công tác, tôi đã chăm lo rèn luyện sức khỏe bằng cách chú trọng ăn uống lành mạnh, tập thể dục và tích lũy để phòng khi đau ốm, bệnh tật. Để tránh cảnh nhàn rỗi sau khi nghỉ chế độ, tôi chủ động xung phong đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Ngọc Sơn; Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Khe Giao 2.
Tôi rất mừng là sự chủ động về sức khỏe và tiền bạc của mình đã giúp tôi sống vui, sống khỏe, sống có ích khi về già. Sức khỏe ổn định nên tôi tiếp tục đạt nhiều thành tựu trong công việc. Vui nhất là thôn Khe Giao 2 đã đạt khu dân cư kiểu mẫu và đang phấn đấu về đích khu dân cư xanh, thông minh vào cuối năm nay. Bản thân tôi đã được nhận bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, UBND tỉnh Hà Tĩnh… Vừa qua, tôi được Hội Người cao tuổi huyện Thạch Hà biểu dương là "Người cao tuổi tiêu biểu tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở" giai đoạn 2019 - 2024. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục sống vui khỏe hơn mỗi ngày.
Anh Phan Anh Chứ (SN 1983, trú thôn Phố Hòa, xã Gia Phố, Hương Khê): Nắm bắt tâm lý của ông bà, cha mẹ để chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo hơn.
Gia đình tôi là gia đình liên thế hệ “tứ đại đồng đường”, bao gồm: bà nội tôi năm nay đã 101 tuổi; bố mẹ đẻ tôi trên 60 tuổi; gia đình tôi và gia đình các em cùng con cái của chúng tôi. Hiểu rõ tâm lý của người già nên chúng tôi luôn tìm cách để “khai thác” các giá trị của ông bà, bố mẹ trong việc giáo dục con cháu.
Chúng tôi luôn thể hiện sự tin cậy và cần sự chia sẻ của ông bà, bố mẹ. Chính vì thế, người cao tuổi trong gia đình tôi không rơi vào tình trạng “nhàn rỗi”. Bằng kinh nghiệm, vốn sống và truyền thống đạo hiếu của mình, bà và bố mẹ luôn là những người “cầm cân nảy mực”, phân giải cho con cháu những vấn đề phát sinh trong cuộc sống gia đình; dạy bảo con cháu những điều hay lẽ phải.
Ngược lại, chúng tôi cũng luôn nhắc nhở nhau phải gần gũi, chia sẻ, thấu hiểu tâm tư, tình cảm của bà, cha mẹ để từ đó có cách chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo. Chúng tôi cũng thường xuyên chuyện trò, giúp các cụ vững vàng đón nhận khi gặp phải sự cố về sức khỏe.
Nhiều năm liền, 4 thế hệ sống chung trong một mái nhà nhưng gia đình tôi vẫn luôn giữ gìn sự đoàn kết, thuận hòa, chia sẻ và yêu thương nhau. Nhờ những năm tháng đó mà khi đi xa, các thành viên vẫn giữ được sợi dây gắn kết bền chặt với gia đình; biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ với nhau trong cuộc sống.