Hơn 5 năm nay, ông Trần Vũ Ba (SN 1948, trú tổ dân phố 7, phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) đã quen với việc sử dụng điện thoại thông minh trong cuộc sống hằng ngày. Trước đó, ông khá e dè và ngại sử dụng các thiết bị công nghệ vì lo lắng bản thân tuổi đã cao, trí nhớ không tốt, mắt kém…
Ông Ba chia sẻ: “Nhờ sự động viên, hướng dẫn của con cháu nên tôi dần làm quen với việc sử dụng điện thoại thông minh và đã sử dụng thành thạo. Các con cũng lập cho tôi tài khoản facebook, zalo nên tôi được kết nối, trò chuyện với bạn bè, nhận thông báo từ các nhóm của khu dân cư. Không chỉ vậy, việc liên lạc với con cháu ở xa cũng trở nên dễ dàng hơn”.
Đang quản lý phòng trọ cho thuê ở TP Hà Tĩnh nên việc sử dụng thành thạo điện thoại thông minh giúp ông Ba thực hiện tốt việc đảm bảo an ninh khi theo dõi camera qua điện thoại. Đồng thời, ông cũng có thể tìm kiếm, cập nhật tin tức thời sự, trải nghiệm các loại hình giải trí mới mẻ, hấp dẫn, bổ ích dành cho người cao tuổi (NCT).
Với nhiều NCT khác ở Hà Tĩnh, việc sử dụng điện thoại thông minh và các tiện ích công nghệ còn giúp họ thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ trong công tác xã hội. Đầu năm 2020, cán bộ và người dân thôn Đông Trung (xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) bắt tay xây dựng khu dân cư thông minh. Thời điểm đó, khái niệm “chuyển đổi số” vẫn là điều khá mới mẻ. Vì thế, với vai trò “đầu tàu” trong xây dựng khu dân cư thông minh, ông Đặng Thế Đài (SN 1960) - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Đông Trung đã dành nhiều thời gian học hỏi, tìm hiểu về chuyển đổi số.
Để bắt nhịp được với các tiện ích công nghệ, ông Đài đã nhờ con cháu và đoàn viên thanh niên trong thôn hướng dẫn sử dụng máy tính, ti vi và điện thoại thông minh. Ông Đài chia sẻ: “Ban đầu, khi tiếp cận với công nghệ, tôi khá lúng túng bởi đã có tuổi, trí nhớ kém, mắt mờ nhưng tôi vẫn kiên trì học hỏi bởi nếu không bản thân sẽ bị “chậm” so với xã hội hiện đại. Với những ứng dụng quản lý thôn thông minh, tôi được các đoàn viên trong thôn hướng dẫn tỉ mỉ. Tôi còn chủ động ghi chép lại các thao tác vào sổ tay để nhớ cách sử dụng”.
Việc sử dụng thành thạo máy tính, điện thoại, tivi thông minh đã giúp ông Đài dễ dàng quản lý công việc của thôn. Các hoạt động như: giám sát camera, điều khiển hệ thống điện chiếu sáng, phát thông tin trên loa thông minh… đều được ông thực hiện khá thành thạo trên điện thoại. Bên cạnh đó, ông Đài cùng các đoàn thể trong thôn cũng đã thành lập nhóm zalo chung để cùng trao đổi công việc.
Có thể thấy rằng, việc làm quen và sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh là cần thiết với NCT. Việc đó không chỉ giúp NCT nâng cao đời sống tinh thần mà còn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Ông Dương Xuân Hòa - Phó Chủ tịch Hội NCT tỉnh cho biết: “Toàn tỉnh hiện có hơn 241.000 NCT, trong đó, gần 11.000 người tham gia công tác hội, các đoàn thể và hệ thống chính trị ở cơ sở. Để bắt nhịp với công nghệ số, chúng tôi khuyến khích NCT tiếp cận và sử dụng điện thoại thông minh. Đồng thời, vận động các chi hội thành lập nhóm zalo để kết nối các thành viên, từ đó góp phần tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản, nghị quyết của tỉnh, của hội một cách thuận lợi và dễ dàng”.
Việc NCT bắt nhịp với chuyển đổi số là cần thiết nhưng bên cạnh tiện ích là những rủi ro liên quan đến các hành vi lừa đảo tinh vi, các hành động lan truyền tin giả, tin xấu độc trên mạng xã hội… Vì thế, NCT cần cẩn trọng với những chiêu trò lừa đảo của các đối tượng xấu hoặc thông tin trái chiều; chỉ nên sử dụng các thiết bị công nghệ khi cần thiết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân.